Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.789 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 12.426 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 625 trẻ em có hoàn cảnh khác (bị tai nạn thương tích). Trong đó có 1.488 trẻ em mồ côi (152 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ sống với người thân thích, 1 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ được chăm sóc thay thế, 141 trẻ mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang sống cùng người thân và 1.194 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ).
Tỉnh Long An đã thành lập Ban Chỉ đạo - Ban Điều hành và Tổ chuyên viên giúp việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện và Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp; thành lập Hội đồng Quỹ bảo trợ trẻ em; chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, đối với trẻ em mồ côi do Covid-19, ngoài thực hiện các gói chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ, Long An đã huy động nguồn lực của tỉnh, sự đóng góp của các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em như: thăm hỏi, tặng 1.804 phần quà với tổng số tiền 5,075 tỷ đồng; tặng 240 suất học bổng với tổng số tiền 190,5 triệu đồng; nhận đỡ đầu 134 trẻ em....
Với sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và căn cứ các chính sách, pháp luật của Nhà nước, UBND tỉnh Long An cho biết đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm gắn mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội dành cho trẻ em được hình thành rộng khắp. Tuy nhiên việc huy động nguồn lực xã hội để chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em mồ côi tại một số địa phương còn hạn chế.
Hiện nay, có những trường hợp trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng bị cha hoặc mẹ bỏ rơi từ nhỏ (cha hoặc mẹ không quay trở về thăm nom hay nuôi dưỡng nhưng không tuyên bố bị mất tích theo quy định của pháp luật) được người thân nuôi dưỡng có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách. Nhằm bảo đảm tốt quyền và lợi ích của trẻ em mồ côi, hoàn thiện chính sách pháp luật đối với trẻ em, UBND tỉnh Long An kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, tham mưu Chính phủ bổ sung đối tượng trên vào Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 để các trẻ em này được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
UBND tỉnh Long An cũng kiến nghị, cần nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho trẻ em mồ côi đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng để đảm bảo nhu cầu cuộc sống cho các em phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ ghi nhận những kết quả tỉnh Long An đạt được trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em mồ côi nói riêng; đề nghị các ngành, các cấp theo chức năng nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ, có chương trình, kế hoạch thực hiện các chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cũng đề nghị tỉnh Long An hoàn thiện báo cáo, nêu rõ các số liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Các kiến nghị, kinh nghiệm thực tiễn của tỉnh sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em mồ côi.