Cùng tham gia có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức; đại diện lãnh đạo Thanh tra Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.
Về phía UBND tỉnh Khánh Hòa có: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Quốc Trị cùng lãnh đạo Công an, các sở, ban, ngành của tỉnh.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, Đại tá Trần Minh Trúc, cho biết, thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện, hiệu lực nhà nước và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tăng cường.
Tình trạng ùn tắc giao thông và số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương; Các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, tải trọng ngày càng giảm.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, thiệt hại do tai nạn giao thông ở mức nghiêm trọng; xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ ở một số địa phương, vi phạm về trật tự an toàn giao thông còn phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa, sau thời gian triển khai Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng và Luật Hàng hải có thể khẳng định, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn được duy trì ổn định. Địa phương đã xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện, kết nối tốt với các vùng. Một số công trình giao thông hiện đại như: đường cao tốc, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế… được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.
Tuy nhiên, Đại tá Trần Minh Trúc cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đó là công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông có nhiều quy định về nội dung chưa được rõ ràng, chưa phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước, từng lực lượng chức năng. Sự quan tâm vào cuộc của một số đơn vị, địa phương có nơi, có lúc chưa đúng mức; Sự chỉ đạo và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và nhân dân tham gia bảo đảm công tác trật tự an toàn giao thông chưa được thực hiện thường xuyên.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân cho biết, do đặc điểm địa lý đặc thù nên Khánh Hòa có đầy đủ các tuyến giao thông quan trọng đi qua như: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống đường cao tốc, đường hàng không quốc tế, các tuyến đường thủy, đường bộ nội địa cũng đã được địa phương tập trung phát triển.
Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương. Nhưng đi cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông cũng đặt ra cho địa phương nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhất là công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến này.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã nêu một số kiến nghị gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: chỉ đạo hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là nghiên cứu cho ý kiến và thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ để thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Sau khi lắng nghe báo cáo, ý kiến từ các sở, ngành địa phương, các thành viên trong Đoàn giám sát đã đặt ra các vấn đề mà Khánh Hòa gặp phải trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Những vướng mắc, khó khăn của địa phương khi thực hiện các cơ chế, chính sách hiện hành.
Kết luận cuộc làm việc, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Khánh Hòa trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Thực tế dữ liệu từ chuyến khảo sát thực địa cũng như các nội dung trong báo cáo của cuộc làm việc với UBND tỉnh, Đoàn giám sát đã cơ bản nắm rõ tình hình trật tự an toàn giao thông của tỉnh. Trong đó có những khó khăn, vướng mắc, bất cập mà tỉnh gặp phải.
Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ làm việc với các Bộ, ngành để có cái nhìn đầy đủ hơn, đánh giá toàn diện hơn trước khi đưa vào báo cáo giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trưởng Ban Dân nguyện cũng lưu ý Khánh Hòa khi hoàn thiện báo cáo gửi lại Đoàn giám sát cần phải nêu rõ những kiến nghị cụ thể với Quốc hội là gì, với Chính phủ, với từng Bộ ngành Trung ương thì như thế nào.
Trong đó, đề nghị tỉnh bổ sung những cách làm sáng tạo hoặc cách làm riêng của địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Từ đó, rút ra được những kinh nghiệm hay, làm nguồn dữ liệu cho Đoàn giám sát có những kiến nghị, giải pháp cụ thể trong báo cáo giám sát.