Cùng dự có: đại diện Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, thành viên Đoàn giám sát; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng...
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã ban hành Kế hoạch với 10 nhiệm vụ chung và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn đã có sự phục hồi và phát triển tích cực. Trong năm 2022 và 2023, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tốc độ tăng trưởng GRDP đều tăng trưởng khá cao, các khu vực kinh tế đều phục hồi. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 24%, số doanh nghiêp quay trở lại hoạt động tăng 28,8%. Số doanh nghiệp giải thể giảm.
UBND tỉnh Sóc Trăng cùng cả hệ thống chính trị cũng đã tập trung dồn sức thực hiện và hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ giao là khởi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; hoàn thành Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, công bố Quy hoạch tỉnh vào tháng 10.2023.
Sóc Trăng cũng đã triển khai thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 và 2023 với tổng số tiền thuế giá trị gia tăng được giảm, ước tính khoảng 31 tỷ đồng, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng; giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.
Tính đến cuối năm 2023, Sóc Trăng đã giải ngân từ nguồn vốn của các Chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đến trên 12.500 lượt khách hàng với số tiền trên 600 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đã có trên 8.900 lao động được vay vốn ưu đãi này để kịp thời đưa vốn vào sản xuất kinh doanh với số tiền 420 tỷ đồng, giúp trên 1.900 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học với số tiền 18 tỷ đồng để các em có điều kiện tốt hơn cho học tập; có gần 1.400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để chuyển đổi ngành nghề, xây nhà ở với số tiền trên 57 tỷ đồng; đã có trên 230 hộ gia đình xây mới được nhà ở, sửa chữa nhà để ở từ chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội với tổng với tiền trên 100 tỷ đồng…
Quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đã tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp; nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân, chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp, chính sách tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt thấp, như: Chương trình cho vay dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 62,2% kế hoạch; Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; chương trình cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 do thiếu các quy định về định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất của Dự án 1, nên địa phương chưa có cơ sở triển khai thực hiện.
Ngân hàng gặp khó khăn liên quan đến việc xác định ngành nghề được hỗ trợ lãi suất khi khách hàng kinh doanh đa ngành, đối với hộ kinh doanh không có giấy phép kinh doanh. Một số doanh nghiệp có nhu cầu được hưởng chính sách nhưng không đáp ứng được điều kiện.
Qua khảo sát thực tế và báo cáo của tỉnh, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận các kết quả đạt được, đồng thời nêu rõ, trong bối cảnh tình tình khó khăn chung của cả nước, GDP của tỉnh tăng từ 5-7% góp phần bảo đảm tăng trưởng GPD cả nước, nâng cao đời sống của người dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Hiện các dự án gia cố sạt lở bờ biển đều đã hoàn thành gần như 100%. Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng giai đoạn 1 giải ngân 100%. Đây là những nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đoàn công tác cũng đề nghị Sóc Trăng tìm rõ thêm các nguyên nhân liên quan đến những vấn đề còn tồn đọng, cụ thể hóa chính sách, tiếp tục đề xuất hoặc điều chỉnh thêm những chính sách liên quan đến phục hồi kinh tế. Tìm giải pháp động viên các hộ dân còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và nhanh chóng bố trí tái định cư cho người dân đã giao đất sản xuất, nơi ở cho các công trình dự án trọng điểm.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá cao Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết đặt ra và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị tỉnh bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích rõ hơn một số nội dung về chính sách tiền tệ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các chính sách tài khóa khác cũng như tác động của các chính sách này đối với người dân, doanh nghiệp.
Đối với các dự án trọng điểm, cần bổ sung thông tin về cách làm, những mặt được và chưa được trong các cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, giao mỏ cát trong quá trình thực hiện. Các phân tích, kiến nghị của địa phương sẽ được Đoàn giám sát ghi nhận đầy đủ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội.
+ Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Trạm y tế xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng.