Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga; Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần; các ĐBQH tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan…
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có: 2 nhà máy nhiệt điện, 4 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, 2 nhà máy điện mặt trời nối lưới và các dự án điện mặt trời áp mái của hơn 485 tổ chức, cá nhân. Tổng sản lượng điện sản xuất bình quân trên địa bàn tỉnh khoảng 7,8 tỷ kwh/năm.
Về hạ tầng điện đã được đầu tư tương đối đồng bộ theo quy hoạch, lưới điện bao phủ 100% các xã, phường, thị trấn; tỷ lệ mang tải lưới điện 110kV là dưới 60% đảm bảo tỷ lệ dự phòng cấp điện… Hệ thống lưới điện truyền tải có 5 tuyến đường dây 500kV với chiều dài 264km, 2 trạm biến áp 500kV với tổng công suất 1.800MVA, 7 tuyến đường dây 220kV với chiều dài 317km, 2 trạm biến áp 220kV với công suất 625MVA.
Ngoài ra, trên địa bàn có 2 kho xăng dầu và 229 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn hiện khoảng 300.000 - 320.000m3/năm; dự báo đến năm 2025 đạt khoảng 500.000m3/năm. Tỉnh có 1 kho LPG tại KKT Vũng Áng với trữ lượng 1.785 tấn, có 6 trạm nạp LPG vào chai, 8 kho chứa chai, 8 thương nhân kinh doanh mua bán LPG đủ đáp ứng nhu cầu về khí đốt cho sản xuất và sinh hoạt.
Đến nay, 100% các hộ dân đều đã được cấp điện từ lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh; trên 485 tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà góp phần bổ sung nguồn điện tự dùng và bán lên lưới điện quốc gia.
Tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm đến công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với việc tuyên truyền sâu rộng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu, đôn đốc các địa phương, sở, ban, ngành và người dân thực hiện nghiêm túc việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến hạ tầng năng lượng trên địa bàn tiếp tục được đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm qua, Hà Tĩnh cũng quan tâm đến công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với việc tuyên truyền sâu rộng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu, đôn đốc các địa phương, các sở, ban, ngành và người dân thực hiện nghiêm túc việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Hệ thống điện phân phối trên địa bàn được bố trí đầu tư cơ bản đồng bộ, phù hợp quy hoạch phát triển điện lực được cấp thẩm quyền phê duyệt; lưới điện phân phối có tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2021 là 7,28% (giảm 1,91% so với năm 2016); thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm thông qua các hoạt động...
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang tập trung ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch, chuyển dịch từ sử dụng năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị… Hiện, trên địa bàn có một số dự án thuộc lĩnh vực năng lượng chậm tiến độ. Tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra, làm rõ, báo cáo và đề xuất phương án xử lý.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến phân tích, làm rõ những tồn tại, vướng mắc liên quan tới thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, nhìn chung giai đoạn 2016 - 2021, hệ thống năng lượng trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu điện sinh hoạt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, an toàn xã hội…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cần sớm phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy định việc phân cấp/ủy quyền trong công tác quản lý, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia và đáp ứng thực tiễn địa phương; xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo...
Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của các địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh trong giai đoạn 2016 - 2021, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh… Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo đầy đủ với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm có những điều chỉnh phù hợp với chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.