Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất chia sẻ, đây là hoạt động thiết thực nhằm mời gọi những nhà đầu tư, các tổ chức công nghệ đồng hành cùng khởi nghiệp quốc gia. Định giá sở hữu trí tuệ là lĩnh vực hết sức quan trọng… Tuy nhiên, tại Việt Nam lĩnh vực này vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bên cạnh đó, việc ra đời của phần mềm định giá IP là cần thiết để tạo thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh, hỗ trợ các quyết định chiến lược nội bộ, hỗ trợ tranh tụng và cho các mục đích tài chính. Dịch vụ định giá IP là cần thiết để hỗ trợ tài chính, tài sản trí tuệ trong tương lai…
Tại Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia cũng nhận định, sở hữu trí tuệ (IP) với tư cách là yếu tố chính thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế đang trở thành tâm điểm chú ý khi các tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng tài sản của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong công nghệ.
Theo Xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025, tài sản sở hữu trí tuệ IP tiếp tục đóng vai trò quan trọng và phù hợp trong việc góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và khu vực. Một phần của các biện pháp chiến lược được đưa ra trong bản Xây dựng chi tiết bao gồm tăng cường các cơ chế khu vực trong việc phát triển các dịch vụ định giá tài sản trí tuệ để nâng cao nhận thức về giá trị của tài sản trí tuệ như một tài sản tài chính.
Thực tế, trong khu vực ASEAN, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines đã bắt đầu thúc đẩy những sáng kiến về tài chính sở hữu trí tuệ như một phương án tài chính thay thế để giúp các doanh nghiệp định hướng đổi mới tiếp cận với nguồn vốn. “Mặc dù trên thực tế, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều để khái niệm hóa và bảo vệ tài sản trí tuệ của họ, nhưng hầu hết họ không thể khai thác thương mại các tài sản trí tuệ này và đối mặt với thách thức trong việc huy động vốn và xác định giá trị ở những doanh nghiệp mà tài sản phần lớn là tài sản trí tuệ…”, Trưởng Văn phòng Lê và Cộng sự (Le & Partner) Lê Đức Thắng, cho biết.
Tại Tọa đàm IP Value Talk, các chuyên gia cũng làm rõ hơn cơ hội của việc định giá sở hữu trí tuệ và tài chính sở hữu trí tuệ, từ đó các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan và cộng đồng người sở hữu trí tuệ cần phải cùng nhau hợp tác và biến việc tài trợ vốn huy động vốn dựa trên tài sản trí tuệ (IP Financing) thành hiện thực cho tất cả mọi người - trước tiên bằng cách làm cho việc định giá sở hữu trí tuệ trở nên dễ tiếp cận và hợp lý.
Các phương pháp định giá tài sản trí tuệ thông thường tốn kém và mất thời gian, gây khó khăn đối với các công ty không có nguồn lực và tài chính dồi dào. Do đó, nếu không được tiếp cận với định giá sở hữu trí tuệ chính xác và đáng tin cậy, các cơ hội nhận được sẽ thấp hơn hoặc thậm chí gần bằng 0 đối với các doanh nghiệp. Với phần mềm định giá tài sản trí tuệ (Value IP), các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực có thể xác định được giá trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình, góp phần lớn rất lớn trong việc xác lập giá trị doanh nghiệp để đạt được mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hoá các tài sản trí tuệ Việt. Góp phần thúc đẩy nâng cao chỉ số sáng tạo của Việt Nam trên bản đồ chỉ số sáng tạo thế giới…
“Phần mềm định giá sở hữu trí tuệ này là một bước tiến đáng kể khi tài sản sở hữu trí tuệ có thể được định giá và giao dịch. Việc sử dụng bộ đánh giá này sẽ giúp các doanh nghiệp và công ty có thể hiểu và nhận định chính xác tiềm năng tài sản trí tuệ của họ, và sau đó quyết định chiến lược phát triển dựa trên tiềm năng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và tinh chỉnh của hệ sinh thái trí tuệ,” Chủ tịch VBS Capital Lê Thục Phương nhận định.
Dịp này, cũng diễn ra lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa các bên về việc hợp tác phát triển lĩnh vực định giá sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.