Gia nhập Công ước Singapore

Cân nhắc thời điểm

- Thứ Tư, 26/05/2021, 06:57 - Bản đầy đủ
Công ước của Liên Hợp Quốc về thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải (Công ước Singapore) được thông qua ngày 20.12.2018 và có hiệu lực từ ngày 12.9.2020. Trong khi thực tiễn công nhận và thi hành kết quả hòa giải thương mại nói chung, kết quả hòa giải thương mại quốc tế nói riêng ở nước ta còn chưa nhiều, việc xác định thời điểm gia nhập Công ước này cần được cân nhắc kỹ và có những bước đi thận trọng.
Lễ ký kết Công ước Singapore về Hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại
Nguồn: Straittimes

Thuận lợi xen lẫn khó khăn

Theo dự thảo Báo cáo đánh giá khả năng gia nhập Công ước đang được Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, Việt Nam có cả thuận lợi và khó khăn nếu gia nhập. Về thuận lợi, nhiều quốc gia đã ký công ước ngay cả khi hệ thống pháp luật chưa có quy định thống nhất về hòa giải thương mại, trong khi nước ta đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này và có cơ chế để thi hành các thỏa thuận hòa giải thành. Đây là cơ sở vững chắc cho việc thực thi các nghĩa vụ theo công ước, tạo thuận lợi cho việc hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước thay vì phải xây dựng mới hoàn toàn.

Sau khi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được ban hành, cơ cấu tổ chức và hoạt động của tòa án các cấp đã được cải thiện rất nhiều. Các thẩm phán cũng có kinh nghiệm trong thực thi các quy định của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Trong những năm gần đây, tỷ lệ công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài đã được nâng cao hơn so với trước đây. Mặt khác, sự lớn mạnh dần của các trung tâm hòa giải thương mại trong nước cũng là điều kiện thuận lợi để tham gia và thực thi Công ước. Hoạt động của các trung tâm hòa giải từ khi thành lập đến nay đã dần đi vào quỹ đạo, nhiều trung tâm có website riêng cung cấp thông tin bằng tiếng nước ngoài, đội ngũ hòa giải viên đa dạng.

Tuy nhiên, khó khăn dễ nhận thấy là công ước mới ra đời trong một thời gian ngắn nên số lượng các quốc gia thành viên còn rất ít. Mặc dù bước đầu Công ước Singapore thu hút được nhiều sự chú ý hơn Công ước New York khi có tới 46 quốc gia tham gia ký kết nhưng đến nay mới có 6 quốc gia phê chuẩn công ước (Singapore, Belarus, Ecuador, Fiji, Qatar và Saudi Arabia). Nhiều quốc gia là đối tác kinh doanh lớn của nước ta như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc chưa phê chuẩn công ước, các quốc gia châu Âu thậm chí còn chưa tham gia ký kết. Như vậy có thể nói còn quá sớm để dự đoán về tương lai của Công ước Singapore cũng như hành động của các nước.

Bên cạnh đó, mặc dù cơ bản tương thích nhưng pháp luật Việt Nam vẫn còn những điểm khác biệt so với Công ước này về phạm vi giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thương mại, điều kiện công nhận kết quả hòa giải thương mại, đơn yêu cầu song song. Việc sửa đổi hệ thống pháp luật sẽ đòi hỏi thời gian và tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất và đồng bộ. Trong khi đó, thực tiễn hòa giải thương mại ở nước ta cũng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Việc tổng kết Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại chưa được thực hiện, việc thống kê các vụ việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án chưa nằm trong số liệu thống kê ngành tòa án nên tình hình thực tiễn về hòa giải thương mại vẫn chưa có một "bức tranh" toàn cảnh.

Công ước Singapore bao gồm 16 điều, ngoài các quy định chung về phạm vi áp dụng, ký kết và hiệu lực, nội dung chính của công ước là các điều khoản định nghĩa và nguyên tắc chung, các điều kiện để thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được viện dẫn hoặc thi hành, các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu từ chối trợ giúp. Theo quy định của công ước, hiệu lực của thỏa thuận hòa giải thương mại quốc tế được ghi nhận và bảo đảm thực hiện bằng hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không bị giới hạn bởi lãnh thổ.

Chưa có đáp án rõ ràng

Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có ảnh hưởng lớn tới thương mại toàn cầu cho thấy, chưa có một xu hướng chiếm ưu thế nào trong việc xây dựng các quy định pháp luật về hòa giải nói chung, công nhận và thi hành thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải nói riêng. Do đó, một loạt câu hỏi như có nên gia nhập công ước hay không, nếu có thì nên ban hành luật để thực thi hay áp dụng trực tiếp; nên ban hành luật riêng hay sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, có cần thiết ban hành văn bản dưới luật không và quan trọng nhất là cơ chế nào để thi hành (áp dụng cơ chế tương tự như thi hành các thỏa thuận hòa giải thành đã có sẵn, tạo ra một cơ chế mới hay cho phép thi hành tự động). Tất cả đều chưa có đáp án rõ ràng.

Một số ý kiến cho rằng, để chuẩn bị cho việc gia nhập công ước trong tương lai, trước mắt, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hòa giải thương mại hiện hành để tránh những lỗ hổng pháp lý ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi. Cụ thể, sửa đổi Nghị định số 22/2017/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định về hòa giải thương mại có yếu tố nước ngoài, bao gồm cả các quy định về xác định yếu tố nước ngoài theo nơi tiến hành hoạt động kinh doanh; bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về công nhận và cho thi hành kết quả hòa giải thành có yếu tố nước ngoài phù hợp với những sửa đổi của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, quy định thẩm quyền giải quyết của tòa án đối với công nhận kết quả hòa giải thành có yếu tố nước ngoài. Cũng có thể nghiên cứu, xem xét phương án xây dựng, ban hành Luật Hòa giải thương mại, nâng các quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thành luật và bổ sung quy định về hòa giải thương mại có yếu tố nước ngoài, công nhận kết quả hòa giải thương mại.

Hoàng Tuấn

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP