Chưa áp giá đền bù đã san ủi đất của người dân, làm hạ tầng khu tái định cư

- Thứ Hai, 29/01/2024, 11:22 - Chia sẻ

Ông Hiếu cũng thừa nhận, việc tự ý san ủi đất của người dân như trên là sai, trách nhiệm này thuộc về đơn vị thi công và chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng).

Chưa áp giá đền bù đã san ủi

Mới đây, ông NXL. (trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã có đơn kiến nghị gửi đến Báo Đại biểu Nhân dân và các cơ quan chức năng liên quan về việc đơn vị thi công dự án khu tái định cư Hòa Phú (phục vụ giải tỏa dự án tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng) san ủi mặt bằng lô đất của gia đình khi chưa thống nhất, đồng ý của gia đình.

Chưa áp giá đền bù, đã tự ý san ủi đất dân, làm hạ tầng khu tái định cư -0
Mặc dù chưa áp giá đền bù nhưng đơn vị thi công đã san ủi lô đất của gia đình ông L. để xây dựng khu tái định cư

Theo phản ánh, ông L. là chủ sở hữu thửa đất số 324 tờ bản đồ số 34 có diện tích 3.238 m2 tại thôn Đông Lâm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Tháng 9/2021, gia đình ông nhận được văn bản về việc thông báo thu hồi đất thực hiện dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến đường Vành đai phía Tây tại xã Hòa Phú. Theo đó, trong các văn bản thông báo của chính quyền địa phương, gia đình ông có diện tích đo đạc là 2.900 m2, dự án sẽ thu hồi 2.650 m2.

“Mặc dù gia đình đã nhiều lần khẳng định, diện tích đất được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình là 3.238 m2 nhưng UBND huyện Hòa Vang cho rằng đó là con số đo đạc sai thực tế, đất nhà tôi chỉ 2.900m2. Họ giải thích là do trước đây đo đạc bằng tay, sau này đo lại bằng máy nên sai sót, chênh lệch là chuyện bình thường. Tôi rất bức xúc về cách giải thích này”, ông L. búc xúc nói.

Đến tháng 6.2023, Ban GPMB huyện lại thông báo chấp nhận điều chỉnh số liệu đền bù giải phóng mặt bằng, đồng ý tổng diện tích đất của gia đình ông L. là 3.238 m2 và sẽ thu hồi 2.980 m2. Phía gia đình không chấp nhận việc điều chỉnh không rõ căn cứ này. “Từ năm 2018 đến nay, gia đình đã trồng cây, bỏ công chăm sóc vào đó rất nhiều. Tuy nhiên, giá trị đền bù dự tính của Ban chỉ ở mức 157 triệu đồng là hoàn toàn không phù hợp, ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của gia đình”.

Trong khi ông L. và Ban GPMB huyện Hòa Vang chưa thống nhất được việc áp giá đền bù thì tháng 3.2023, đơn vị thi công đã mang máy móc đến tự ý san ủi, làm bãi tập kết máy móc, xây dựng hạ tầng.

Chưa áp giá đền bù, đã tự ý san ủi đất dân, làm hạ tầng khu tái định cư -0
Hơn 80% diện tích lô đất đã bị san ủi, làm hệ thống đường, cống thoát nước

“Khi gia đình không có mặt tại khu đất thì đơn vị thi công đã san ủi hết cây cối và làm hạ tầng đường giao thông, vỉa hè, cống thoát nước, điện chiếu sáng 80% diện tích khu đất... Các cây trồng của tôi trên đất như: sim, chè xanh, cây keo… cũng bị san ủi. Ranh giới, mốc giới lô đất nhà tôi không còn nữa. Như vậy, ai là người đã chỉ đạo và tự ý san ủi đất và cây trồng của tôi? Ai là người tự ý xây dựng trên đất của người khác khi chưa tiến hành việc thu hồi đất. Đây là những sai phạm nghiêm trọng nhưng phía Ban GPMB huyện Hòa Vang cũng như UBND huyện, xã ở Hòa Vang trả lời là nhà thầu tự ý san ủi và họ không biết”, ông L cho biết.

Theo ông L., đối với vấn đề tự ý xâm phạm, san ủi đất của gia đình khi chưa có sự đồng ý, gia đình sẽ gửi đơn đến cơ quan công an để nghị yêu cầu điều tra, làm rõ và giải quyết theo quy định pháp luật.

"Việc tự ý san ủi đất của người dân là sai"

Liên quan đến những kiến nghị, phản ánh của ông L., Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc phụ trách Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang Trần Văn Hiếu.

Theo đó, ông Hiếu xác nhận, Ban GPMB huyện chưa bàn giao mặt bằng của hồ sơ thửa đất số 324 đến Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (thuộc UBND TP. Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án đường Vành đai phía Tây TP. Đà Nẵng) và đơn vị thi công. Việc đơn vị thi công tự ý san ủi mặt bằng khi chưa đền bù, Hội đồng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư dự án đã yêu cầu Ban quản lý dự án phối hợp với các đơn vị liên quan liên hệ với người dân để phục dựng lại mốc giới theo tọa độ, hiện trạng đo đạc ban đầu.

Chưa áp giá đền bù, đã tự ý san ủi đất dân, làm hạ tầng khu tái định cư -0
Đơn vị thi công thừa nhận có sai sót, làm thay đổi hiện trạng ban đầu của thửa đất

Ông Hiếu cũng thừa nhận, việc tự ý san ủi đất của người dân như trên là sai, trách nhiệm này thuộc về đơn vị thi công và chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng).

Theo tìm hiểu, đơn vị thi công dự án nói trên là Công ty cổ phần Trường Sơn 532. Trong công văn gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang, doanh nghiệp này xác nhận, để đảm bảo các điều kiện bàn giao đất thực tế cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hòa Vang, trong quá trình thi công hạng mục đường giao thông và hệ thống thoát nước mưa nhánh 02, nhánh 04 và hoàn thiện vỉa hè tại nút giao T7 của nhánh 02, nhánh 04 của dự án Khu tái định cư Hòa Phú, nhà thầu có cử ông Trương Tịnh (đội phó phụ trách thi công) trực tiếp liên hệ với ông L. để xin thi công trước tại vị trí vướng mặt bằng chưa được bàn giao và được ông L. đồng ý.

Qúa trình thi công diễn ra vào tháng 3.2023, đến tháng 4.2023, đơn vị thi công có nhận được thông báo của UBND xã Hòa Phú về việc phục dựng mốc giới thu hồi đất đối với thửa đất của ông L.

“Đơn vị thi công hoàn toàn chịu trách nhiệm về các sai sót của mình trong quá trình nhận bàn giao mặt bằng để triển khai thi công làm thay đổi hiện trạng ban đầu của thửa đất gia đình. Rất mong gia đình tạo điều kiện bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công hoàn thành dự án theo đúng tiến độ và cam kết với chủ đầu tư. Bàn giao các lô đất còn lại đang vướng mặt bằng cho các hộ dân đang nợ đất thực tế” (công văn của doanh nghiệp này nêu rõ).

Đối với vấn đề Công ty cổ phần Trường Sơn 532 cử người liên hệ với ông L. để xin thi công trước thì phía gia đình ông L. khẳng định không có ai liên hệ và cũng không đồng ý cho san ủi khi chưa thống nhất phương án đền bù.

Liên quan đến dự án đường Vành đai phía Tây Đà Nẵng, có chiều dài hơn 19 km được khởi công tháng 9.2018 với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào tháng 12.2020, nhưng đến nay, sau gần 3 năm chậm tiến độ và nhiều lần xin gia hạn, dự án vẫn chưa hoàn thiện. Theo ông Hiếu, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án này vẫn đang còn vướng mắc ở một số điểm.

* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin kết quả thực thi pháp luật trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Tấn Tài
#