Tuy vậy, trong khi kết quả của những nghiên cứu thực chứng này vạch ra tầm quan trọng của tự do hóa thương mại, thực tế cho thấy kết quả của mối liên hệ giữa tự do hóa thương mại và sự cải thiện về kết quả hoạt động kinh tế dẫn đến xóa đói giảm nghèo là rất khác biệt ở các nước đang phát triển. Vì thế tự do hóa thương mại mới chỉ là những điều kiện cần. Điều kiện đủ (ở cấp quốc gia) là sự hiện diện của một cơ chế định hình các chính sách nội địa mang tính bổ trợ. Giảm bảo hộ thương mại phải đi đôi với các chính sách bổ trợ khác và đi đôi với việc cải cách thể chế và luật định nhằm củng cố môi trường đầu tư và tăng trưởng năng suất. Một chương trình phát triển có tính bền vững đòi hỏi ngoài việc tự do hóa thương mại còn phải có những chính sách có tác dụng củng cố lẫn nhau được thiết kế để đảm bảo kích thích phía cung và thúc đẩy tăng trưởng có lợi cho người nghèo.
Mặc dù các vấn đề chính sách cụ thể có tác dụng bổ trợ đối với mỗi một quốc gia là khác nhau, những nghiên cứu và phân tích đang được tiến hành cho thấy những yếu tố sau có tầm quan trọng đặc biệt: mức độ lành mạnh và đúng đắn của các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính, luật định, thể chế, và chính sách công, cũng như khả năng cung cấp mạng lưới an sinh xã hội, mức độ dễ bị tổn thương của thu ngân sách và hoạt động nông nghiệp trước tác động của tự do hóa thương mại. Tất nhiên không phải tất cả những yếu tố này đều là đúng với mọi nước, nhưng bằng việc xác định và đặt ưu tiên những yếu tố đáng ưu tiên trong hoàn cảnh cụ thể của từng nước, người ta có thể gặt hái tối đa lợi ích mang lại từ tự do hóa thương mại.
Bên cạnh việc xác định và ưu tiên những yếu tố quan trọng và phù hợp nhất với hòan cảnh và nhu cầu cụ thể của một nước nào đó, nước này còn phải có đủ năng lực về thể chế và chính sách để thiết kế và thực thi những chính sách bổ trợ hữu hiệu như là một phần của chiến lược phát triển tổng thể và đồng bộ nhằm cải thiện kết quả họat động thương mại, góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng bao quát và chiến lược xóa đói giảm nghèo. Hiển nhiên rất ít nước có được những năng lực cần thiết này và do đó cần phải có sự trợ giúp xây dựng năng lực từ các tổ chức đa phương quốc tế như IMF, UNDP, WB, và WTO...
Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu cần trợ giúp trong xây dựng năng lực thể chế và chính sách ở các nước đang phát triển thường chỉ là trách nhiệm của Bộ thương mại (hoặc thậm chí trong một số trường hợp chỉ là trách nhiệm của đoàn đại diện thương mại của quốc gia tại Geneva, nơi đặt trụ sở của WTO), mà hầu như thiếu vắng sự tham gia của các bộ và cơ quan chức năng khác của chính phủ, của đông đảo chủ thể kinh tế trong nước. Kết quả là các nhu cầu trợ giúp được đặt ra thường không phản ánh đúng nhu cầu cần trợ giúp thực sự trong việc xây dựng và thực hiện một chương trình phát triển toàn diện và bền vững. Tồn tại về chủ quan này làm cho việc cải cách thương mại và thực hiện tự do hóa thương mại tuân thủ theo các thỏa thuận với WTO thành ra rất khó khăn và, kết quả là, tầm quan trọng của thương mại và sự cần thiết phải xây dựng được một chiến lược phát triển tổng quát của đất nước, cũng như nhu cầu về những trợ giúp xây dựng năng lực chính sách và thể chế sẽ không thu được sự ưu tiên đúng mức cần có.
Liên hệ với Việt Nam có thể thấy cũng như đối với các nước đang phát triển nói chung, thương mại có thể mang đến những lợi to lớn cho Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu trợ giúp từ các tổ chức quốc tế đa phương cũng như nỗ lực của bản thân Việt Nam nhằm đưa nước ta tham gia sâu hơn nữa vào hệ thống thương mại toàn cầu là một điều kiện không thể thiếu. Tuy nhiên, do thiếu phối hợp giữa các bên liên quan trong nước (ví dụ điển hình là khi đàm phán gia nhập WTO với các đối tác, các bộ liên quan thường đặt lên bàn thương lượng những điều kiện khác nhau, nhằm bảo vệ lợi ích riêng của ngành mình quản lý) nên sự trợ giúp của các tổ chức đa phương quốc tế để xây dựng năng lực chính sách và thể chế thường không được đặt trong một chiến lược phát triển nhất quán và khăng khít (ở đó chương trình tự do hóa thương mại xác định những lĩnh vực hoạt động cần ưu tiên) nhằm cải thiện năng lực quốc gia trong việc theo đuổi tăng trưởng thương mại và năng suất như là một điều kiện cần dẫn đến giảm đói nghèo và tăng phúc lợi xã hội.
Do đó, điều kiện đủ để tự do hóa thương mại và hội nhập sâu vào hệ thống thương mại tòan cầu, mang đến những tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo ở Việt Nam, là việc xây dựng được một cơ chế hữu hiệu nhằm khuyến khích và trợ giúp hình thành lịch trình tự do hóa thương mại phù hợp cũng như đặt cải cách thương mại trong bối cảnh của các mục tiêu phát triển tổng thể của đất nước. Cũng thông qua cơ chế này, sự trợ giúp của quốc tế trong việc hình thành và phát triển các năng lực hoạch định chính sách và thực thi mới phát huy hiệu quả tối đa, góp phần giúp nước ta giải quyết được những trở ngại và khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ cam kết với WTO như sắp tới đây khi chính thức gia nhập vào tổ chức này.
Ts Phan Minh Ngọc
Khoa Kinh tế, Đại học Kyushu, Nhật Bản
(Xuất bản trên báo giấy số 260, 17.09.2006)