Đánh giá hiện trạng đô thị
Toàn bộ ranh giới của tỉnh Bắc Ninh gồm 8 đơn vị hành chính, 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III và 7 đô thị loại V, với tổng diện tích là 822,71km2. Vùng nội thị được xác định gồm TP. Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong với tổng diện tích khoảng 491,37km2. Vùng ngoại thị được xác định gồm huyện Thuận Thành, huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, với tổng diện tích khoảng 331,34km2.
Theo đánh giá hiện trạng quản lý, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã và đang được đầu tư như hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, hồ điều hòa, công viên cây xanh, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng đồng bộ, công trình hạ tầng kỹ thuật đường dây, đường ống cơ bản được ngầm hóa; hệ thống trụ sở cơ quan hành chính, trường học các cấp, nhà văn hóa, công trình thể dục, thể thao, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khu nhà ở, tòa nhà chung cư, công trình cảnh quan... đã và đang được đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Công tác quản lý đô thị được chú trọng, quan tâm; hệ thống các quy chế quản lý quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, quy định quản lý tuyến phố văn minh, đường thanh niên tự quản đã được ban hành; tăng cường quản lý trật tự xây dựng, tăng tỷ lệ người dân xây nhà có giấy phép, hạn chế xây dựng sai giấy phép xây dựng, sai quy hoạch chi tiết được duyệt, bộ mặt đô thị từng bước thay đổi theo hướng điện đại, văn minh.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện chưa có các khu đô thị mới có quy mô lớn; mật độ dân số chưa cao; trình độ phát triển hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị còn khiêm tốn; hệ thống các công trình văn hóa, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ... ở quy mô nhỏ, chưa có công trình quy mô cấp vùng liên tỉnh, vùng thủ đô; nhiều chỉ tiêu hạ tầng ở mức dưới yêu cầu như mật độ đường giao thông, đất cây xanh toàn đô thị, đất cây xanh nội thành, nội thị, đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý....
Định hướng và dự trù kinh phí
Mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được xác định trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh và kế hoạch phân loại đô thị được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24.2.2021. Để đạt mục tiêu này, cần nguồn lực rất lớn, đặc biệt phải có 5 quận có trình độ phát triển đô thị, hạ tầng ở mức độ cao và toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, do đó, cần xem xét để bảo đảm tính khả thi.
Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Bắc Ninh chưa thu hút, đầu tư xây dựng được các dự án khu đô thị lớn, nguồn lực xây dựng và phát triển đô thị chưa theo kịp yêu cầu. Mặt khác, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện đang diễn ra hết sức phức tạp, dẫn đến việc dự báo phát triển kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư có độ trễ. Vì vậy, giai đoạn trước mắt, phấn đấu tăng tỷ lệ đô thị hóa thông qua việc thành lập các thị xã trước năm 2025, cơ bản toàn tỉnh đạt tiêu chí đô thị loại I trước năm 2030, từng bước đạt được các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở số liệu niên giám thống kê năm 2020, tổng vốn tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị giai đoạn 2015 - 2020 (không bao gồm đầu tư khu, cụm công nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng nhà ở) trung bình khoảng 17.000 tỷ/năm, trong đó từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỷ/năm và doanh nghiệp khoảng 11.200 tỷ/năm. Dự báo trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm (thấp hơn 2% - theo quyết định 1831/QĐ-TTg ngày 9.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030) thì ước tính đến cuối thời kỳ, lũy kế tổng số vốn có thể tham gia đầu tư phát triển đô thị khoảng 251.321,1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 85.744,8 tỷ và doanh nghiệp khoảng 165.576,3 tỷ, phù hợp với yêu cầu nguồn lực kế hoạch phát triển đô thị.
Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (chuyên đề) . Bên cạnh đó, tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến 2030; rà soát các tiêu chí đối với yêu cầu của đô thị loại I để xây dựng kế hoạch thực hiện, khắc phục các tiêu chí còn yếu và thiếu; bố trí nguồn lực theo phân cấp để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển đô thị.
HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt theo quy định; tiếp tục tập trung thực hiện chương trình phát triển đô thị để đáp ứng lộ trình nâng cấp các đô thị đến năm 2030. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện.