Giá trị tài sản càng lớn, số phần trăm đặt cọc càng nhỏ?
Theo các đại biểu tham dự hội thảo, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản phải khắc phục những bất cập, hạn chế trong đấu giá tài sản, như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông giá”... thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, bền vững của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong dự thảo Luật là người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1a, Điều 39.
Theo đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam, dự thảo Luật nên quy định mức tiền đặt trước của người tham gia đấu giá tối thiểu là 10% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, vì người mua có nhu cầu mua phải có năng lực về tài chính, tránh tình trạng bỏ tiền đặt trước.
Cho rằng, nên phân chia giá trị tài sản để quy định số tiền đặt trước, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN Phan Văn Lâm nêu quan điểm, tỷ lệ đặt trước 20% là quá cao, nhất là với số tiền hàng trăm tỷ đồng để đặt trước, doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận lớn rất nhiều so với tiền gửi ngân hàng, mặt khác trong một thời gian ngắn người mua rất khó đáp ứng được lượng tiền như vậy.
Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải đề nghị, nên thực hiện nguyên tắc, giá trị tài sản càng lớn thì số % đặt cọc càng nhỏ. Ngoài ra có thể bổ sung chế tài nếu trúng đấu giá không mua tài sản có thể bị phạt 20% giá trị tài sản trúng đấu giá để bảo đảm giá tài sản không bị thổi phồng nhằm mục đích xấu.
Giải trình vấn đề này, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, mức tiền đặt trước đã được ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng, tối thiểu là 5% và tối đa là 20% là phù hợp. Hơn nữa, luật hiện hành đã có chế tài xử phạt liên quan đến người bỏ cọc như xử phạt hành chính, hủy kết quả đấu giá. Điều 218, Bộ luật Hình sự đã quy định về tội vi phạm quy định đấu giá tài sản, xử lý hình sự đối với việc “thông đồng”, “dìm giá”, “nâng giá”.
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết thêm, nếu nâng mức tiền đặt trước lên 30 - 50% là quá cao, chắc chắn tỷ lệ người tham gia đấu giá ít đi. Hay nâng mức tiền đặt trước lên 50%, phải chăng chúng ta đang thực hiện mua, bán chứ không phải đấu giá?
Đấu giá viên phải bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề hàng năm
Quan tâm tới quy định tại Khoản 2, Điều 19 dự thảo Luật “đấu viên viên phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản hàng năm”, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải Phan Văn Lâm đề nghị, không nên quy định bồi dưỡng nghiệp vụ là bắt buộc, vì đã có chứng chỉ hành nghề bắt buộc theo quy định.
Là một trong những đơn vị đào tạo đấu giá viên, đại diện Học viện Tư pháp, TS. Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, hiện nay các chức danh bổ trợ tư pháp như công chứng, luật sư, bên cạnh tiêu chuẩn về chứng chỉ hành nghề, cũng có quy định bắt buộc phải bồi dưỡng hàng năm. Do vậy quy định bồi dưỡng đấu giá viên hàng năm cũng tương đồng với các chức danh bổ trợ tư pháp khác.
Về thực tiễn, tác động của Luật Đấu giá tài sản rất rộng, chúng ta có tới gần 20 tài sản phải bán thông qua đấu giá. Khi bán tài sản thông qua đấu giá, bên cạnh trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản, đấu giá viên phải tuân theo quy định về đặc thù trước đấu giá, sau đấu giá theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trong khi đó, các luật chuyên ngành luôn thay đổi và với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, việc bồi dưỡng bắt buộc hàng năm là rất cần thiết.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển khẳng định, đóng góp của các chuyên gia sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ làm nguồn tham khảo để Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội xem xét trong quá trình sửa đổi luật.