Trong công tác TXCT trước kỳ họp
Trước mỗi kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh sớm ban hành kế hoạch, hướng dẫn các tổ đại biểu tổ chức TXCT theo hướng mở rộng tiếp xúc tại cơ sở, địa bàn dân cư nơi đại biểu ứng cử; kết hợp TXCT của đại biểu HĐND các cấp để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả tiếp thu và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tại các buổi tiếp xúc, UBND tỉnh chuẩn bị Báo cáo tóm tắt tình hình KT - XH, Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Báo cáo kết quả thực hiện cam kết khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước để làm tài liệu cho đại biểu nghiên cứu, giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm; đồng thời phân công các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tham dự, trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực phụ trách theo đề nghị của Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh.
Sau tiếp xúc, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất với Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh tổng hợp các ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri thuộc thẩm quyền của tỉnh để báo cáo tại kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, đồng thời gửi UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Những vấn đề cấp thiết có điều kiện giải quyết, Thường trực HĐND thống nhất với UBND tỉnh tập trung chỉ đạo chỉ đạo giải quyết ngay. Do đó, hiệu quả hoạt động TXCT được nâng lên một bước, góp phần củng cố niềm tin và tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân.
Trong chuẩn bị, tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh
Thường trực HĐND tỉnh thường tổ chức hội nghị liên tịch trước khai mạc kỳ họp ít nhất 2 tháng để các cơ quan chuyên môn có thời gian chuẩn bị chu đáo các nội dung trình tại kỳ họp; mặt khác cũng giúp Thường trực HĐND, UBMTTQ, UBND tỉnh chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đốc đốc bảo đảm tiến độ thực hiện các nội dung, công việc chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tỉnh.
Nâng cao chất lượng các văn bản trình tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được phân công chuẩn bị các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết mời các ban HĐND tỉnh tham gia ngay từ khi xây dựng. Quá trình chuẩn bị thông qua báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, UBND tỉnh chủ động mời Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh dự tham gia vào báo cáo, đề án, tạo sự thống nhất ngay trong quá trình chuẩn bị nội dung. Trước kỳ họp 5 ngày, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị mời UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Tư pháp và các ngành liên quan rà soát, hoàn thiện bước đầu các dự thảo nghị quyết. Vì vậy, các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp cơ bản sát với thực tiễn, phù hợp với quy định của pháp luật và có tính khả thi.
Tạo sự chủ động trong hoạt động chất vấn, trước kỳ họp từ 5-7 ngày, Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến UBND tỉnh những nội dung chất vấn thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn để chuẩn bị báo cáo bằng văn bản gửi đại biểu HĐND tỉnh và trực tiếp trả lời tại kỳ họp HĐND. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan báo cáo kết quả thực hiện các nội dung đã tiếp thu, ghi nhận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các kỳ họp trước, báo cáo HĐND tỉnh.
Trong quá trình thảo luận tại các tổ đại biểu về các nội dung của kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phân công chuyên viên theo dõi, tổng hợp ý kiến thảo luận, kịp thời chuyển đến UBND tỉnh để nghiên cứu, giải trình. Sau thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp dành thời gian cần thiết để Chủ tịch UBND tỉnh giải trình làm rõ các vấn đề qua thảo luận các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Qua đó, giúp các đại biểu nắm sâu hơn những nội dung của kỳ họp, những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất trong việc xem xét, thông qua các nghị quyết của kỳ họp.
Phối hợp hoàn thiện, triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh
Sau kỳ họp, Thường trực HĐND và UBND tỉnh đã trao đổi, thống nhất chỉ đạo việc hoàn thiện để ban hành các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, gửi đến cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định. UBND tỉnh ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện, bảo đảm nghị quyết được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Khi có những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND tỉnh đã đề xuất, trao đổi với Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến thống nhất để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm cho các nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực.
Một số kinh nghiệm, giải pháp
Từ thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, việc sớm xây dựng quy chế phối hợp là rất cần thiết, là cơ sở quan trọng để mỗi bên thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền và việc phối hợp được rõ ràng, thông suốt, nhịp nhàng. Chỉ đạo các văn phòng, các sở, ngành liên quan nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ liên quan được quy định tại quy chế. Hàng năm, tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, thống nhất các giải pháp để thực hiện tốt hơn quy chế phối hợp đã đề ra.
Hai là, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh cần thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin trong hoạt động của mình hoặc những kiến nghị, đề xuất liên quan nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả các công việc chung. Ngoài mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ban thường trực UBMTTQ, việc phối hợp giữa các Văn phòng, các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu, giúp các bên thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp là hết sức cần thiết.
Ba là, trong triển khai các nội dung cụ thể, kế hoạch phải được xây dựng và triển khai sớm để các cơ quan liên quan chủ động thực hiện và có thời gian chuẩn bị chu đáo. Đối với một số nghị quyết quan trọng, có đối tượng tác động rộng rãi, thời gian thực hiện dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ, ngay từ đầu của Thường trực HĐND, UBND và UBMTTQ trong quá trình dự thảo các nội dung của nghị quyết, trong việc tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, của các chuyên gia, nhà quản lý giàu kinh nghiệm, ý kiến phản biện của các tổ chức chính trị, xã hội.
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực UBMTTQ và UBND tỉnh, Thường thực HĐND tỉnh Ninh Bình đề xuất một số giải pháp sau :
Một là, UBTVQH, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQVN tiếp tục nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn về cơ chế phối hợp hoạt động giữa HĐND với UBMTTQ và UBND, nghiên cứu xây dựng hướng dẫn dưới dạng văn bản QPPL về nội dung phối hợp, hình thức thực hiện. Đặc biệt là trách nhiệm của các bên nhằm tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động phối hợp của các cơ quan tại địa phương.
Hai là, khi xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở; quy định tổ chức bộ máy của HĐND đủ mạnh, đủ khả năng thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Trong đó xác định rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ giữa Thường trực, các ban, tổ đại biểu HĐND với các cơ quan liên quan. Quy định cụ thể trách nhiệm của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ trong việc hướng dẫn, theo dõi hoạt động của HĐND.
Ba là, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động theo từng chuyên đề, như: kỹ năng phối hợp tổ chức kỳ họp HĐND, trong TXCT, trong hoạt động giám sát cho Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cấp tỉnh…