Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự diễn đàn.
Đánh giá cao việc chủ trì tổ chức Diễn đàn của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, đây là diễn đàn đầu tiên, nhưng cần nghiên cứu để tổ chức thường niên, qua đó lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Thủ tướng, trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, có việc tháo gỡ các nút thắt về pháp lý. Việc này đã được Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan chủ động thực hiện thời gian qua, khi rà soát hàng chục ngàn văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoặc bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp, có sự chồng chéo. Đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đáp ứng được kỳ vọng; doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận chương tình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng nhu cầu hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp hoạt động tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh ở trong và nước ngoài là rất lớn. Nhu cầu này cũng đặt ra đòi hỏi cho tư vấn, hỗ trợ pháp lý của cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh hơn, thực chất hơn, chất lượng cao hơn. Theo Phó Thủ tướng việc lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp để nhận diện các vướng mắc trong thể chế là rất cần thiết, từ đó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp sát với thực tiễn hơn.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu thảo luận kỹ về thực trạng hỗ trợ pháp lý, bàn sâu về thể chế, hành lang pháp lý, nhận diện điểm nghẽn gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Đồng thời, nhận diện những vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, đánh giá, dự báo nhu cầu trợ giúp pháp lý của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện này. Từ đó xác định đúng và trúng nhu cầu trước mắt, lâu dài. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu diễn đàn trao đổi các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận chương tình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro khi hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là các vấn đề về tranh chấp thương mại quốc tế, phòng vệ thương mại…
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. "Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu trở thành một kênh trao đổi, kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Qua những ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương sẽ có thêm thông tin, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ khó khăn"- ông Hiếu nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ sẽ theo đuổi, hỗ trợ nhằm tìm ra lời giải cụ thể, rõ ràng cho những khó khăn, vướng mắc pháp lý đã được nhận diện.
Tại diễn đàn với 2 phiên thảo luận, các diễn giả sẽ thảo luận tập trung vào việc tiếp cận các gói hỗ trợ và quản trị rủi ro pháp lý; tháo gỡ vướng mắc và khơi thông nguồn lực trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Tại đây, doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời, hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.