Đề xuất bổ sung thêm 7 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao
Trong đó có 185 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng... Trong lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao, nhà lưới, tưới tiết kiệm, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng được áp dụng hiệu quả… Trong chăn nuôi sử dụng thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo (100% đàn bò sữa và 80% đàn bò thịt). Còn với lĩnh vực thủy sản là ứng dụng công nghệ "sông trong ao", làm giàu ô xy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước, sử dụng công nghệ Biofloc…
Một trong số những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thủ đô phải kể đến chính là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức). Hiện công ty có 3.000m2 trồng nấm sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản. Mỗi ngày công ty sản xuất được 3 tấn nấm các loại.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, UBND thành phố đã rà soát, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ sung thêm 7 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao khác nhằm cụ thể hóa Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, có các dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức với quy mô khoảng 668ha, thuộc địa phận xã An Thượng và xã Song Phương; khu sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), quy mô diện tích khoảng 76ha thuộc vùng đất bãi sông Đáy; khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, quy mô diện tích khoảng 105ha...
Cùng với đó, là các Khu nghiên cứu và phát triển giống, cây trồng công nghệ cao tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), với quy mô diện tích 9,44ha; khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Đáy thuộc xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) quy mô diện tích 23,3ha; khu sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), với quy mô diện tích khoảng 200ha; khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), quy mô diện tích khoảng 80ha.
Theo đại diện Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu, chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ. Việc ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như quy trình sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, quy trình quản lý dịch bệnh trên cây trồng, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học,... cũng chưa đồng bộ.
Công nghệ cao chủ yếu mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,... Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội, đại diện Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng, cần rà soát phương án quy hoạch nông nghiệp tích hợp vào quy hoạch Thành phố. Trong đó, cần định hướng cụ thể về phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo ra một cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô.
Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển,....
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã được ban hành. Trong đó chú trọng thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2012/UBND-KTN về thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô giai đoạn đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo gắn với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp để tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất; phấn đấu để thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, để tạo đột phá nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng, xúc tiến thương mại,... tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
_______
(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)