Hà Nội chậm tìm “đầu ra” cho rác thải

- Chủ Nhật, 21/08/2022, 06:14 - Bản đầy đủ

Vấn đề xử lý rác thải nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng đang là bài toán khó với nhiều địa phương, nhất là ở thành phố lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, vướng mắc không chỉ nằm ở cơ sở hạ tầng xử lý rác thải, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chấp hành và sự chung tay của người dân trong việc bảo vệ môi trường. 

Những nỗi lo từ rác

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh từ 6.500 - 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Theo các chuyên gia, với mức độ như hiện nay, mỗi năm, số rác thải của thành phố tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.

Khu vực chôn lấp, xử lý rác thải ở Nam Sơn luôn trong tình trạng quá tải. Nguồn: ITN

Thực tế trên đang tồn tại mâu thuẫn đáng lo ngại, đó là lượng rác thải của TP. Hà Nội ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ thì Hà Nội chỉ có 3 khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có công suất lớn nhất, với gần 4.000 tấn rác/ngày.

Phương thức xử lý rác thải ở các khu xử lý trên hiện chủ yếu vẫn là chôn lấp, lạc hậu, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý, như: Công nghệ đốt rác, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng... Chính vì thế mà qua thời gian, diện tích dùng để chôn lấp bị thu hẹp, hạ tầng quá tải dẫn đến phát sinh các sự cố. Những lần như vậy, việc thu gom, xử lý rác bị gián đoạn, gây tồn đọng rác ngoài môi trường nhiều ngày.

Thực trạng trên khiến kế hoạch vận hành của khu xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội không ổn định. Kế hoạch phải thay đổi từng ngày cho phù hợp với tình trạng của các bãi chôn lấp và lượng rác đưa về. Từ đây, nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trong quá trình vận hành luôn rình rập, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý. Mỗi lần xảy ra sự cố ở các khu xử lý rác, nhiều khu vực trong khu dân cư, thậm chí là ngay lòng đường phố trở thành nơi chứa rác bất đắc dĩ.

Sinh sống tại ngõ 242 đường Láng (Đống Đa), chị Nguyễn Vân Nguyệt chia sẻ: Mỗi lần rác thải ùn ứ đều gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân trong ngõ. Ngay trước cửa nhà tôi thường xuyên có những túi rác của người dân đặt ở đấy chờ xe tới thu gom, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Do đó, người dân trên địa bàn rất lo lắng mỗi khi thấy rác thải tập kết tại đây, chưa được chuyển đi kịp thời.

Sớm tháo nút thắt 

Theo quy hoạch của TP. Hà Nội, trong hai khu xử lý rác thải lớn nhất hiện nay (Nam Sơn và Xuân Sơn) thì Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có quy mô 157ha, kế hoạch đến năm 2030 mở rộng 257ha và đến năm 2050 là 280ha. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, việc mở rộng khu xử lý rác thải chưa được triển khai theo kế hoạch vì một phần diện tích đất chưa được bàn giao. Ngày 25.7 vừa qua, Nhà máy Đốt rác phát điện Sóc Sơn (Hà Nội) do Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý làm chủ đầu tư đã chính thức vận hành hòa vào lưới điện quốc gia. Từ nay đến hết tháng 9.2022, nhà máy sẽ thực hiện vận hành 1 lò đốt có công suất thiết kế đốt 800 tấn rác/ngày - một số lượng rất khiêm tốn so với số lượng rác thải mỗi ngày. Theo quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050, tại Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải. Vậy nhưng, nhiều khu xử lý rác đang bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. 

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị được giao vận hành bãi rác Nam Sơn cho biết, bãi rác quá tải có nguy cơ phát tán mùi rất cao, nước rỉ rác lớn, không chủ động ô chôn lấp, mật độ phương tiện ra vào một khu vực lớn, gây nguy cơ tai nạn giao thông, hao tổn nhiên liệu do xe phải leo lên cao tìm chỗ đổ rác… Đơn vị cũng đã triển khai nhiều biện pháp khác nhằm hạn chế thấp nhất phát tán mùi ô nhiễm, ngăn chặn ruồi muỗi phát sinh từ bãi rác. Tuy nhiên, các biện pháp trên chỉ là tạm thời trước mắt, mang tính chất giải quyết tình thế.

Qua việc điều phối trên cho thấy, các bãi đang phải oằn mình để “nuốt” hết số rác thải của Hà Nội. Chỉ cần một bãi rác gặp sự cố có thể sẽ đẩy nội đô lâm vào cảnh ngập rác chất đống, phủ bạt chờ giải cứu. Cùng với đó, khi các khu xử lý rác theo phương pháp chôn lấp bắt đầu quá tải, các nhà máy đốt rác phát điện được kỳ vọng sẽ tiếp nhận và xử lý phần lớn khối lượng rác theo phương pháp tiên tiến hơn lại đang vướng mắc nhiều vấn đề và bị chậm tiến độ, chưa thể vận hành chính thức. Nếu các dự án đốt rác phát điện của Hà Nội tiếp tục kéo dài tiến độ, những nỗi lo của chính quyền và người dân Hà Nội trước tình cảnh này chắc chắn sẽ còn.

Không chỉ vấn đề cơ sở hạ tầng xử lý rác thải, điều rất quan trọng còn nằm ở ý thức chấp hành và sự chung tay của người dân. Đã có nhiều chế tài được ban hành, như quy định mức xử phạt các hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định từ 500.000 đến 1.000.000 đồng; cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, các quy định này dường như chưa được áp dụng hiệu quả.

Dịu Hương – Thuỳ Linh

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP