Khuyến khích, nhân rộng các mô hình dựa trên lợi thế địa phương
Để thực hiện hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho rằng, hoạt động khuyến nông cần tiếp tục đổi mới, cải thiện nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của thực tiễn.
Hệ thống khuyến nông thành phố cần kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông của thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông ổn định, vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, nâng cao công tác tập huấn, đào tạo cho các cộng tác viên, nông dân, người sản xuất được tiếp cận nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ tay nghề trong quản lý, sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông đảm bảo nắm rõ cơ chế, chính sách, pháp luật Nhà nước, cách thức quản lý và tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân.
Tiếp tục khuyến khích, nhân rộng các mô hình dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và có sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch dịch vụ. Nâng cao ý thức cho người dân gắn phát triển sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ thông tin, tạo mối liên kết, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà nông - doanh nghiệp thông qua các diễn đàn, hội chợ, triển lãm, hội thi; phát huy hiệu quả hệ thống thông tin khuyến nông thị trường nông nghiệp.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Khuyến nông
Với nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, trong hai thập kỷ qua (thành lập năm 2002), Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân cho trên 4.000 lượt hộ vay vốn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng; góp phần khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, mặt nước hiệu quả, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đạt từ 250 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và hướng tới xuất khẩu; tạo đầu mối kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp giữa các hộ, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung. Giá trị sản phẩm của các phương án tăng từ 10 - 30% so với khi chưa được vay vốn Quỹ Khuyến nông.
Đáng ghi nhận, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng mô hình khuyến nông thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ…
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trong hoạt động của hệ thống khuyến nông cả nước, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất có hoạt động Quỹ Khuyến nông. Đây là điểm nhấn đặc biệt của khuyến nông TP. Hà Nội. Qua quỹ đã tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng (tổng hợp theo số liệu báo cáo của các hộ vay vốn). Mặt khác Quỹ Khuyến nông ra đời đã góp phần làm giảm việc cho vay nặng lãi ở nông thôn thời điểm đó, giúp cho việc ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Nhằm khai thác tối ưu tiềm năng diện tích mặt nước của Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đã triển khai các mô hình như: Nuôi thủy sản áp dụng công nghệ "sông trong ao", nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá - lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa vì tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa.
Bà Hương cũng cho biết, Trung tâm đã hoàn thành báo giải trình theo góp ý, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định và Phụ lục định mức, đề nghị Sở Tư pháp thẩm tra và đến ngày 25.5.2023 UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND ban hành định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chung của ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn mới.
________
(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)