Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4.2003 bởi nguyên Thủ tướng Chính phủ hai nước. Mục tiêu của Sáng kiến chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam thông qua các cuộc đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam (gồm các bộ, ngành liên quan) với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (đại diện là Ủy ban kinh tế Việt – Nhật thuộc Liên đoàn kinh tế Nhật Bản - Keidanren, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA, JETRO, JCCI, JCCH).
Trải qua 20 năm thực hiện, Sáng kiến chung đã có tác động to lớn và nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao; đồng thời cũng được đánh giá là Diễn đàn có hiệu quả nhất trong số các diễn đàn đối thoại, hợp tác của Chính phủ Việt Nam.
Phát biểu đánh giá tổng kết cuối kỳ giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản tại Hội thảo Kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Nhật Bản, sáng 7.3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 8 giai đoạn qua, 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục hai bên thực hiện.
“Sáng kiến chung là một trong những kênh đối thoại hiệu quả, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, ông Nguyễn Chí Dũng đề xuất trong thời gian tới cần tập trung vào 4 nội dung hợp tác sau.
Một là, với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức. Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản rất có tiềm năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên này.
Hai là, thời gian tới, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản không chỉ là kênh đối thoại giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, mà thông qua đó, phía Nhật Bản sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình tham mưu, đề xuất việc xây dựng chính sách của Việt Nam, tập trung vào các nhóm vấn đề chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Ba là, trong 8 giai đoạn vừa qua, đã có nhóm công tác tập trung phát triển năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam như nhóm công tác về lao động hay công nghiệp hỗ trợ. Trong giai đoạn tới, phía Nhật Bản cần có giải pháp cụ thể hơn nữa và bổ sung nguồn lực để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả hợp tác đầu tư thông qua các đề án, chương trình cụ thể.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị xây dựng Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào 3 lĩnh vực: chuyển đổi số; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nhân lực”, ông Dũng cho biết.
Bốn là, bên cạnh việc tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng cường và tham gia sâu vào quá trình triển khai các cơ chế chính sách. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các nhóm công tác phía Nhật Bản phối hợp với các bộ ngành liên quan của Việt Nam và các địa phương nghiên cứu triển khai, có thể thông qua việc đề nghị Chính phủ Nhật Bản đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp (gói viện trợ không hoàn lại) để có chương trình hành động và đề án cụ thể nhằm hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã được thực hiện trong 17 tháng từ ngày 21.10.2021 – 7.3.2023.
Kế hoạch hành động giai đoạn 8 bao gồm 11 nhóm vấn đề là: Đẩy mạnh việc áp dụng án lệ, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, cạnh tranh công bằng, tự do; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; Luật PPP; cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên; các vấn đề liên quan đến đất đai; công nghiệp hỗ trợ; đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao.