Chiều 24.10, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum (Tổ 8) thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và dự thảo Luật Dữ liệu.
38% trẻ dưới 5 tuổi ở miền núi bị suy dinh dưỡng thấp còi
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề xuất BHYT chi trả khi sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Theo đại biểu Lò Thị Luyến, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm việc chăm sóc sức khỏe toàn dân nói chung, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em nói riêng và đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ suy dinh dưỡng tại miền núi phía Bắc và Tây Nguyên còn khá cao.
Tại Kỳ họp thứ 3 và thứ 4, đại biểu đã đề xuất quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhưng không được chấp thuận vì nhiều lý do, trong đó có việc vấn đề này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
“Nay tôi tiếp tục kiến nghị đưa nội dung này vào Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung) vì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật BHYT. Mặt khác, về mặt lý luận và thực tiễn đều có đầy đủ căn cứ đưa nội dung này vào Luật BHYT sửa đổi bổ sung lần này, nếu chờ xã hội hóa thì các em không có cơ hội điều trị”, ĐBQH Lò Thị Luyến nói.
Trước hết, ĐBQH Lò Thị Luyến dẫn các văn bản của Đảng, Nhà nước yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; trong đó có nhóm trẻ em, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trong đó, Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cho từng giai đoạn, nhấn mạnh việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và tăng cường công tác dinh dưỡng
Về mặt căn cứ thực tế, đại biểu dẫn số liệu điều tra công bố năm 2020 cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi trung bình của cả nước là 19,6% (năm 2010, tỷ lệ này là 29,3%). Trong đó, ở thành thị chỉ chiếm 12,4%; nông thôn là 14,9%; còn ở miền núi là 38%, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hàng năm, ước tính tại Việt Nam có khoảng 2 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi; trong đó có khoảng trên 200 nghìn trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, phải can thiệp điều trị bằng chế phẩm dinh dưỡng.
Cũng theo đại biểu, suy dinh dưỡng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là bệnh và được liệt kê trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Căn cứ hướng dẫn của WHO, phác đồ chuẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng đã được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 4478 ngày 18.8.2016.
Theo khuyến cáo của WHO, chế phẩm dinh dưỡng (F75; F100; RUTF) điều trị hiệu quả đối với bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Các chế phẩm này được WHO công bố năm 2007, đã có quy định rất chi tiết về thành phần và các đặc tính rất chuyên biệt để điều trị theo đơn của bác sĩ tại các cơ sở y tế. Các sản phẩm này bảo đảm an toàn, hiệu quả và hiện không có thuốc nào thay thế.
Tháng 7.2023, WHO đã đưa chế phẩm dinh dưỡng vào danh mục thuốc thiết yếu dưới dạng thực phẩm để điều trị cho trẻ em trên toàn cầu mắc bệnh suy dinh dưỡng.
Tại Việt Nam, từ năm 2009, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã hỗ trợ triển khai thành công mô hình can thiệp mẫu ở Kon Tum. Đến năm 2016 mô hình được mở rộng trên 22 tỉnh với nhiều nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế khác.
Tỉnh Điện Biên được UNICEF và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới lựa chọn hỗ trợ năm 2019 - 2021, 2022 - 2023 với 400 trẻ được điều trị. Tỷ lệ điều trị thành công phục hồi hoàn toàn của mô hình UNICEF là 85%, mô hình của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới là 68,7% số trẻ tham gia.
“Số trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng được điều trị từ mô hình này mới chiếm khoảng 10%, còn 90% chưa được điều trị và mỗi năm Điện Biên có 500 trẻ bị chết vì trẻ suy dinh dưỡng dễ mắc tiêu chảy, viêm phổi, tỷ lệ chết gấp 5 - 20 lần so với trẻ không suy dinh dưỡng mắc bệnh này.
Chúng tôi thấy sản phẩm này điều trị hiệu quả bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng nên đề nghị Quốc hội bổ sung vào diện BHYT chi trả, vì gia đình các em đều nghèo trong khi trẻ dưới 6 tuổi được cấp BHYT miễn phí và sản phẩm này được WHO khuyến cáo điều trị hiệu quả”, ĐBQH Lò Thị Luyến nói.
“Vì bà con, vì những đứa trẻ, với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri, tôi phát biểu với mong muốn được nghiên cứu, tiếp thu đưa vào quy định tại Luật BHYT trong lần sửa đổi, bổ sung lần này để trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng có cơ hội được can thiệp, điều trị với cơ hội sống cao hơn”, đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ.
Cũng theo đại biểu, vừa qua, sau bão số 3, UNICEF tại Việt Nam đã hỗ trợ khẩn cấp 20 tấn chế phẩm dinh dưỡng cho 11 tỉnh miền Bắc để điều trị cho trẻ em của các tỉnh này. UNICEF cũng đang tiếp tục khảo sát nhu cầu của các tỉnh để tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ trong 9 tháng tiếp theo.
Ủng hộ thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Cũng góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật này.
“Qua tiếp xúc cử tri cho thấy người dân rất quan tâm đến việc sửa đổi luật này nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng cao hơn.
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật BHYT hiện hành cần sửa ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, và nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, để cùng có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 tới”.
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh, cử tri Vĩnh Long đánh giá cao việc dự thảo Luật bổ sung các đối tượng tham gia BHYT và đặc biệt là quy định mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT khi thông cấp khám chữa bệnh.
Theo đó, người tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả giống như khi đi khám chữa bệnh đúng quy định trong 3 trường hợp.
Một là, người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong một số trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo.
Hai là, khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân tuyến huyện trước ngày 1.1.2025 trên toàn quốc.
Ba là, đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình nâng mức hưởng cụ thể.
“Quy định này nhằm tăng quyền lợi và giảm phiền hà cho người dân, cũng như thu hút nhiều người tham gia BHYT tăng cường khám chữa bệnh tại y tế cơ sở”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế cũng như tổ chức và hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở.
Học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo diện được ngân sách hỗ trợ
Góp ý quy định đối tượng học sinh, sinh viên được tự lựa chọn tham gia BHYT theo hộ gia đình, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) cho rằng, điều này sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Ví dụ: đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác lập danh sách và quản lý đối tượng; việc trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhà trường không chính xác.
Hoặc, học sinh, sinh viên "viện cớ" tham gia theo hộ gia đình để trốn tránh tham gia BHYT học sinh, sinh viên vào đầu năm học. Ngoài ra, khó khăn trong quản lý và đánh giá tỷ lệ bao phủ BHYT tại trường học.
Trong khi đó, thời gian vừa qua, triển khai Luật BHYT năm 2014, kết quả đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên đạt từ 95% - 97% so tổng số học sinh, sinh viên. Tại tỉnh Điện Biên đạt 97,62%.
Việc phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan BHXH với các sở, ngành, cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng thuận lợi, việc quản lý đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT được đánh giá chặt chẽ.
Vì vậy, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Bộ Y tế giữ nguyên như quy định Luật BHYT hiện hành, theo đó, học sinh, sinh viên tham gia theo đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Đối với việc tham gia BHYT theo hộ gia đình từ người thứ 3 trở đi, số tiền người tham gia đóng sẽ thấp hơn đóng theo học sinh, sinh viên. Để giải quyết bất cập này, đại biểu đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm học sinh, sinh viên tối thiểu là 50% mức đóng.