Đất sở hữu chung… thành sở hữu riêng?
Nguyên đơn trong vụ kiện là ông Trương Tấn Sang (SN 1996), bị đơn gồm bà Trương Thu Hồng, Trương Thu Hà, Trương Thu Ngà (cùng ngụ Tây Ninh).
Theo hồ sơ vụ việc, ông Trương Tấn Tài (cha của ông Sang) cùng 6 anh chị em khác sở hữu chung mảnh đất có diện tích hơn 5.300m2 (thửa đất số 151, tờ bản đồ số 5, tại khu phố 1, nay là khu phố 5, phường 3, TP Tây Ninh). Đất có nguồn gốc do cha mẹ để lại. Ông Trương Tấn Tài mất ngày 16.9.2011 nhưng không để lại di chúc.
Ngày 2.11.2004, 7 người trên đã thực hiện việc phân chia di sản thừa kế bằng “Tờ thuận phân” và được UBND thị xã Tây Ninh (nay TP Tây Ninh) chứng thực. Tờ thuận phân có nội dung các anh chị em ủy quyền cho bà Trương Thu Hồng đại diện đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nếu sau này có nhu cầu sử dụng, sang bán phải được sự đồng ý của 7 chị em và sẽ lập tờ thỏa thuận riêng.
Ngày 10.7.2012, khu đất trên đã được UBND TP Tây Ninh đã cấp GCNQSDĐ số BK524737 cho bà Hồng đứng tên với diện tích 5.164,5m2 (do một phần đất đã được lấy làm đường giao thông). Sau đó, khu đất này được bà Hồng cho thuê từ năm 2012.
Ngày 28.6.2016 do có nhu cầu sử dụng đất nên bà Hồng gọi ông Trương Tấn Lộc, Trương Tấn Thọ (là em ruột bà Hồng) cùng anh Sang ra UBND phường 3 ký tờ thuận phân. Nội dung để bà Hồng quản lý và sử dụng đất.
Cũng trong năm 2016, bà Hồng tiến hành các thủ tục để tách khu đất trên thành 3 thửa: thửa 299 (diện tích 2.681m2, bà Hồng đứng tên); thửa 300 (diện tích 1.245,4m2, sau này do bà Trương Thu Ngà đứng tên) và thửa 301 (diện tích 1,238m2, sau này do bà Trương Thu Hà đứng tên).
Nguyên đơn Trương Tấn Sang cho biết, khoảng tháng 8.2020, phát hiện các phần đất trên do các cá nhân trên đứng tên, trở thành sở hữu riêng chứ không còn đồng sở hữu như văn bản thỏa thuận phân chia tài sản ngày 28.6.2016. Bên cạnh đó, lợi tức từ việc cho thuê đất cũng không được chia nên ông Sang khởi kiện vụ việc ra TAND TP Tây Ninh.
Ông Sang yêu cầu TAND TP Tây Ninh tuyên hủy 3 GCNQSDĐ đã cấp cho bà Hồng, bà Ngà, bà Hà; tuyên hủy văn bản thỏa thuận phân chia tài sản ngày 28.6.2016; Phân chia lại tài sản là thửa đất trên, buộc bà Hồng thanh toán số tiền hơn 364 triệu đồng từ tiền cho thuê khu đất cho anh Sang.
Luật sư nhận định bản án sơ thẩm chưa khách quan
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã tuyên không chấp nhận yêu cầu hủy 3 GCNQSDĐ đã cấp cho bà Hồng, bà Ngà, bà Hà; không chấp nhận yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận phân chia tài sản ngày 28.6.2016. Chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của ông Sang, buộc bà Hồng trả cho anh Sang, ông Thọ, ông Lộc mỗi người 42 triệu đồng tiền cho thuê khu đất trên…
Không đồng ý với bản án trên, ông Sang đã làm đơn kháng cáo.
Nhìn nhận về vụ việc này, luật sư Thạch Huỳnh Nhung, Công ty Luật TNHH Nhung và cộng sự nhận định: "Cha ông Trương Tấn Sang là ông Trương Tấn Tài đã mất ngày 16.9.2011 và không để lại di chúc nên căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 675; điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005,toàn bộ di sản mà ông Tài để lại sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật"
"Vì cha mẹ ông Tài đã mất, ông Tài đã ly hôn vợ trước khi mất, ông Sang là con duy nhất nên là người sẽ được thừa kế toàn bộ phần di sản mà ông Tài để lại trong đó có một phần thuộc thửa đất 151, tờ bản đồ số 5 nằm tại TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh", luật sư Nhung phân tích.
Theo luật sư Thạch Huỳnh Nhung, từ khi ông Trương Tấn Tài mất vào năm 2011 tới nay, ông Sang chưa thực hiện thủ tục khai nhận di sản được thừa kế từ ông Tài, chưa xác định hàng thừa kế, chưa xác định phần tài sản mà ông được hưởng. Dẫn đến chưa phát sinh quyền tài sản của ông Sang đối với phần di sản được hưởng.
Vì vậy, vào thời điểm ký Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản ngày 28.6.2016, quyền sở hữu đối với phần QSDĐ thuộc thửa 151 nêu trên của ông Sang và những đồng thừa kế (nếu có) chưa phát sinh, ông Sang cũng không cung cấp được bất cứ giấy tờ chứng minh tài sản trên thuộc về mình.
"Theo đó, tại Điều 465 (Hợp đồng tặng cho tài sản) Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”. Vậy ông Sang không có quyền thực hiện tặng cho đối với tài sản thừa kế từ ông Trương Tấn Tài nên Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản ngày 28.6.2016 là vô hiệu. Chính vì vậy, bản án sơ thẩm là chưa khách quan", luật sư Nhung nhận định.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan trong vụ việc nói trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.