Để ký ức hồi sinh

Tài liệu, tư liệu là một kho báu về tri thức của tiền nhân, chứa đựng hồn phách của dân tộc, là ký ức của quốc gia và bản sắc của đất nước. Trải qua thời gian, biến động của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh… không ít tài liệu, tư liệu quý đã bị hư hại, thậm chí mất mát.

Ước nguyện phục chế tài liệu

Ngày 4.4.2017, Ban Tế tự đình Thần Mỹ Thọ, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, bàn giao một cuộn sắc phong cho đoàn cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Các cụ trong Ban Tế tự kể lại, thời xưa khi chạy giặc vào những năm 1940, cuộn sắc phong bị rơi xuống sông, sau đó được vớt lên cho vào ống. Đây là tài liệu bị hỏng nặng nhất mà các cán bộ này từng gặp trong hành trình giúp người dân tu bổ tài liệu. Sắc phong bị bết dính, đóng cục… Đoàn cán bộ lưu trữ mất 3 năm, 3 tháng tỉ mỉ, kỳ công để hồi sinh các đạo sắc phong. Đến ngày 20.7.2020, 6 đạo sắc phong đã được bàn giao lại cho đình Thần Mỹ Thọ trong niềm hân hoan của người dân.

Chia sẻ câu chuyện này tại tọa đàm Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để ký ức luôn hồi sinh tổ chức ngày 12.4, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Trần Đăng Phương cho biết, nguyện vọng tu bổ, phục chế tài liệu, tư liệu của các cá nhân, gia đình, dòng họ, địa phương rất lớn. Nhiều người rất coi trọng, cất giữ tư liệu như báu vật nhưng lại không biết làm sao để nó không bị hư hại theo thời gian. “Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một cụ bà với nguyện ước của người cha để lại trước khi mất; bà là người trông coi phủ thờ của dòng họ, vừa đưa cho tôi tư liệu được gói ghém rất kỹ, vừa kể về nỗi đau đáu giữ gìn nó suốt bao nhiêu năm: “cách đây khoảng 40 năm, cha của tôi trước khi mất có ước nguyện chữa lành hai đạo sắc phong bị hư hỏng của dòng họ. Từ đó đến nay ngày nào tôi cũng mong mỏi thực hiện được di nguyện của cha”".

Đạo sắc phong của đình Thần Mỹ Thọ, Đồng Tháp, trước và sau khi được tu bổ
Đạo sắc phong của đình Thần Mỹ Thọ, Đồng Tháp, trước và sau khi được tu bổ

Các địa phương, gia đình, dòng họ, cá nhân trên cả nước đang lưu trữ nhiều tài liệu quý giá, trong đó không ít tài liệu có niên đại hình thành cách đây hàng trăm năm. Tuy nhiên, phần lớn di sản này chưa được bảo quản đúng cách. Nói riêng khối tài liệu sắc phong trong các di tích, bà Điền Thị Hạnh, Viện Bảo tồn di tích chỉ ra các tài liệu này đang được bảo quản ở nhiều dạng. Có nơi cuộn tròn đặt trong ống nhựa, ống giấy, ống tre, cuộn vào túi nilon, cất trong hòm gỗ hay két sắt… Có nơi cho sắc phong vào khung kính, treo lên tường, sau vài năm bị mờ chữ. Có nơi mang sắc phong ra ép plastic khiến cho toàn bộ số sắc phong bị biến màu. Một số sắc phong bị rách thủng được dán vá băng dính, băng keo lên bề mặt…

“Những tác động trên đây không những gây hậu quả nghiêm trọng là làm hỏng tài liệu mà còn gây khó khăn cho các chuyên gia khi xử lý (mất nhiều thời gian, công sức), thậm chí có trường hợp nặng không thể khắc phục được, đơn cử trường hợp sắc phong tại đình Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, khi chúng tôi đến đã hư hỏng hoàn toàn”, bà Điền Thị Hạnh nói.

Cuộc chạy đua tiếp sức

Vẫn còn đó những tờ giấy ố vàng, rách thủng. Vẫn còn đó những cuốn băng bị bết dính, bị mốc chua, bị nhão… kéo theo rất nhiều thông điệp của tiền nhân, thông tin về lịch sử, văn hóa, tri thức truyền thống… chưa được trao truyền cho thế hệ hôm nay, hoặc được trao truyền dưới dạng chưa hiển thị được đầy đủ, rõ nét. Bởi vậy, bảo quản tài liệu là một quá trình chạy đua với thời gian. Thời gian càng lùi xa, di sản càng mất mát, hư hỏng.

Thế nhưng, khó khăn của câu chuyện lưu trữ tài liệu, tư liệu không chỉ ở vấn đề xử lý kỹ thuật mà còn có trở ngại đến từ tâm lý của chính những người sở hữu, bảo quản tài liệu, tư liệu đó. “Đơn cử như sắc phong, rất nhiều nơi bà con được truyền qua nhiều thế hệ rằng mỗi lần mở sắc phong, lại xảy ra chuyện chẳng lành. Làm thế nào để người dân yên tâm, tin tưởng cho đụng chạm, tu bổ sắc phong, không dễ” - ông Trần Quang Phương trăn trở.

Nhiều ý kiến cho rằng, tài liệu giấy tại các di tích, đặc biệt là sắc phong, là loại hình di sản văn hóa có giá trị, phản ánh nhiều mặt đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư trong các giai đoạn lịch sử. Cần có giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là thay đổi tư duy, cách nhìn của người dân, chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo tồn di sản cũng như phát huy giá trị của nó trong đời sống hiện tại.

Bà Luyện Thu Thủy, Phòng Quản lý và Văn thư lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phân tích, mục đích lưu trữ tài liệu hiện có hai trường phái. Một trường phái coi mục đích của bảo quản là để giữ được lâu hơn. Với mục đích này sẽ lấy tài liệu làm trung tâm, tất cả quyết định liên quan đến việc bảo quản sẽ quan tâm đến tình trạng vật lý của tài liệu. Còn trường phải thứ hai là lấy con người làm trung tâm, tức là bảo quản, lưu trữ đồng thời phát huy giá trị tài liệu đến các thế hệ.

“Chúng ta nói rất nhiều về việc kéo dài “tuổi thọ” của tài liệu. Thú thật, kéo dài tuổi thọ trong đời sống vật lý của tài liệu đã khó nhưng kéo dài tuổi thọ của tài liệu trong lòng của công chúng, trong lòng của các thế hệ sau này mới khó khăn hơn cả. Hành trình đó đòi hỏi sự bền bỉ, trách nhiệm. Đó là quá trình chạy tiếp sức với sự tham gia của rất nhiều người, nhiều lĩnh vực, nhiều thế hệ”, bà Luyện Thu Thủy nhấn mạnh.

Không biết trân quý tờ giấy xưa cũ chứa đựng thông tin quá khứ của ông bà, tổ tiên để lại thì chúng ta nói gì nữa với con cháu mai sau? Tự vấn như vậy, theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, thông điệp của công tác bảo quản, phát huy tài liệu lưu trữ chính là giữ lửa tình yêu, sự trân trọng của nhân dân đối với giá trị di sản tài liệu. “Nhiều người đặt câu hỏi điều này còn quan trọng trong thời đại chuyển đổi số khi máy móc, phần mềm có thể lưu trữ được rất nhiều thứ? Nhưng theo tôi nó chưa thể thay thế cách thức mà con người mong muốn là nhìn thấy được, chạm được. Đứng trước một mộc bản cách đây 200 năm khác với mở USB để xem với cùng một nội dung như thế. Tài liệu truyền thống cho chúng ta xúc cảm. Hành trình lưu trữ, tu bổ tài liệu là để giá trị của dân tộc luôn sinh động trong đời sống hôm nay và mai sau”.

Văn hóa - Thể thao

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk
Văn hóa - Thể thao

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk

Sáng 22.11, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 - 22.11.2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Quảng Nam đăng cai hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của UN Tourism
Văn hóa - Thể thao

Quảng Nam đăng cai hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của UN Tourism

Ngày 22.11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UN Tourism và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism, từ ngày 9 - 11.12, tại Quảng Nam.

Hình ảnh tại triển lãm 3D. ảnh: TTLTI
Văn hóa - Thể thao

Lịch sử Kiên Giang qua hình ảnh và tài liệu lưu trữ

Với hơn 200 tài liệu, bản đồ lần đầu tiên được công bố, triển lãm 3D trực tuyến “Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay” nhằm lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ, tạo thuận lợi cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về địa giới hành chính Kiên Giang qua các thời kỳ.

Đội tuyển Việt Nam có 3 trận đấu tập tại Hàn Quốc
Văn hóa - Thể thao

Đội tuyển Việt Nam có 3 trận đấu tập tại Hàn Quốc

Hôm nay, 21.11, đội tuyển Việt Nam hội quân chính thức bước vào đợt tập trung quan trọng để chuẩn bị cho Giải vô địch Đông Nam Á - ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Thầy trò HLV Kim Sang Sik sẽ có đợt tập huấn 10 ngày tại Hàn Quốc với 3 trận đá tập nhằm kiểm tra, đánh giá lực lượng và hoàn thiện lối chơi.

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Tin ở giáo viên
Văn hóa - Thể thao

Tin ở giáo viên

Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10.1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được”.