Nhất trí cao việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng 2014, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) cho rằng: việc sửa đổi sẽ tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công chứng.
Tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng là loại hình công ty hợp danh. Đại biểu đề nghị, đối với loại hình này cần phải xem xét đến các quy định có liên quan đến Luật Doanh nghiệp. Theo đại biểu, điểm b, Khoản 3 Điều 20 dự thảo Luật quy định “Không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với bên tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động khác trong phạm vi toàn quốc” đang bị chồng chéo với quy định với Điều 38, Điều 41 của Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm Khoản 1, Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020 để điều chỉnh cho bao quát các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng. Bởi, công chứng viên hợp danh ngoài thực hiện theo dự thảo Luật này còn có nghĩa vụ thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và điều lệ Văn phòng công chứng.
Cho ý kiến về quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng tại Điều 6, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, quy định này chưa thể hiện rõ chính sách của Nhà nước về sử dụng tiếng Việt và tiếng nói, chữ viết của 53 dân tộc thiểu số được quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa Điều 6 theo hướng: “Sử dụng tiếng nói, chữ viết dùng trong công chứng chủ yếu là tiếng Việt. Đồng thời, cần đề cao việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số khi yêu cầu công chứng như, sử dụng phiên dịch tiếng dân tộc thiểu số và sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong trường hợp công chứng viên, người yêu cầu công chứng là những người cùng một dân tộc thiểu số thông thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình” để tạo thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số khi tham gia công chứng và sử dụng các văn bản công chứng.
Tại Điều 16 về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Ban soạn thảo xem xét chuyển nội dung điểm đ, Khoản 2 lên Khoản 1 cho hợp lý và chính xác hơn. Vì đây là quyền của công chứng viên từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội… chứ không phải là nghĩa vụ của công chứng viên.
Về quy định thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng tại điểm c Khoản 1 Điều 31, đại biểu Định đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định Văn phòng công chứng mới chỉ không hoạt động liên tục từ 3 tháng trở lên đã bị thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng là quá nghiêm khắc, như thế sẽ tạo khó khăn, áp lực cho Văn phòng công chứng. Do đó, để có được quyết định thành lập Văn phòng công chứng là rất khó khăn, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa quy định lại mốc thời gian là 12 tháng.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến vào Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.