Chỉ thị nêu: Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27.2.2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27.2.2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ đã ban hành các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Việc ban hành các văn bản nêu trên trong thời gian qua đã tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đặc biệt là hoạt động mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn tồn tại một số bất cập như: thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên tham gia hoạt động đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; năng lực cán bộ còn hạn chế; còn để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chưa bảo đảm việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu theo quy định.
Trong lĩnh vực y tế, công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh còn gặp khó khăn mà trong đó có nguyên nhân do năng lực cán bộ làm công tác đấu thầu chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm; đội ngũ làm công tác mua sắm hầu hết là kiêm nhiệm nên còn lúng túng, chậm trễ trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu. Ngoài ra, còn có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm ở một số cá nhân, đơn vị và địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế.
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Cơ quan quản lý về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương, đơn vị quản lý về đấu thầu tại doanh nghiệp nhà nước thường xuyên theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đấu thầu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục sơ hở, bất cập.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu theo quy định. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, nhằm phát hiện những hạn chế, thiếu sót, vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; gói thầu quy mô lớn, phức tạp; các gói thầu đấu thầu không qua mạng; các gói thầu áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng có hiệu quả kinh tế thấp.