Áp dụng thí điểm và có nghiên cứu tác động
Pháp bắt đầu thí nghiệm giảng dạy tích hợp với chương trình tích hợp môn khoa học và công nghệ (EIST) tại khối lớp 6 và 7 từ năm học 2006 - 2007 với 19 trường trung học cơ sở tham gia ban đầu một cách tự nguyện. Năm học 2007 - 2008 có 38 trường tham gia và những năm sau đó có 200 trường tham gia. Năm 2016, Pháp thực hiện cải cách giáo dục, và việc giảng dạy tích hợp liên môn được chính thức đưa vào chương trình giáo dục quốc gia áp dụng trên toàn quốc.
Sau những năm đầu thực hiện, Bộ Giáo dục Pháp đã làm các nghiên cứu và công bố các báo cáo chi tiết về hiệu quả của hình thức giảng dạy này. Đa số các giáo viên tham gia nghiên cứu đã đánh giá cao trong nhiều khía cạnh, chẳng hạn: hình thức giảng dạy này làm tăng sự quan tâm, kích thích động lực, giúp học sinh tự chủ hơn, cải thiện khả năng làm việc nhóm, học sinh cảm thấy thoải mái hơn…
Ngoài ra, hình thức giảng dạy này cũng mang đến cho các giáo viên nhiều lợi ích, chẳng hạn mở rộng sự hiểu biết, cải thiện khả năng nghiên cứu, quan sát, kỹ năng thực hiện các dự án, triển khai các chủ đề khác nhau, cải thiện mối quan hệ với học sinh, khả năng kèm cặp riêng các học sinh trong giảng dạy… so với cách giảng dạy theo từng môn.
Giảng dạy tích hợp là một sự hợp tác, kết hợp các kiến thức và kỹ năng giữa các môn học để làm cho giáo dục gần cuộc sống hơn, nên đòi hỏi các giáo viên và học sinh cũng phải có một sự hợp tác trong việc giảng dạy và học tập như bản chất sự tích hợp.
Để dạy tích hợp, các giáo viên đã làm gì?
Để chuẩn bị một chương trình giảng dạy tích hợp, nhìn chung, các giáo viên Pháp thường làm các bước như sau:
Trước hết, các giáo viên bộ môn liên quan ngồi lại với nhau để cùng nhau xác định các mục tiêu của cụm môn học. Việc xác định này phải vượt ra ngoài mục tiêu cụ thể các môn học riêng lẽ để nhắm đến mục tiêu giáo dục quốc gia, vốn cũng là một sự tích hợp các kiến thức, kỹ năng, các giá trị văn hóa (mục tiêu giáo dục quốc gia Pháp gồm năm lĩnh vực) với một tiếp cận xuyên ngành.
Các giáo viên cùng nhau xác định các nội dung, học liệu tốt nhất, phù hợp với các mục tiêu đã đề ra. Chẳng hạn xác định các khái niệm chính có liên quan giữa các môn học, các nội dung, các chủ đề, các vấn đề giao thoa thường xảy ra trong cuộc sống cá nhân và xã hội.
Chẳng hạn môn toán có thể tích hợp với các môn khoa học như giáo dục về kinh tế, tài chính, dân số học, vật lý, địa lý, thậm chí là cả môn giáo dục công dân như sử dụng kiến thức toán để tính toán thu chi của gia đình hàng tháng, hay mô hình hóa các mức độ thuế thu nhập của công dân.
Các giáo viên bàn với nhau để xây dựng cấu trúc chương trình, các chủ đề chung, các hoạt động chung, cách thức tổ chức, phối hợp, thời gian, thời điểm giảng dạy cụ thể, phân công nhau phụ trách từng nội dung.
Các giáo viên cũng bàn với nhau về phương pháp đánh giá học sinh, tập trung vào các kiến thức và kỷ năng liên môn.
Sau mỗi kết thúc một chương trình dạy tích hợp, các giáo viên lại ngồi lại với nhau để suy nghĩ về công việc đã thực hiện, để khắc phục sửa đổi những điều chưa phù hợp.
Như vậy, trong hình thức giảng dạy này, yếu tố giáo viên là rất quan trọng. Để thực hiện được việc giảng dạy tích hợp, các giáo viên phải có tự do, khoảng trống tự do của họ phải đủ lớn để quyết định và thực hiện các nội dung, cách thức giảng dạy, đánh giá học sinh cũng như thực hiện những điều chỉnh kịp thời một cách chủ động.
Để thành công trong hình thức giảng dạy này, các giáo viên luôn cần lấy học sinh làm trung tâm, nghĩa là dựa trên nhu cầu của các học sinh của từng lớp học để chuẩn bị và thực hiện công việc giảng dạy.
Bộ Giáo dục Pháp hỗ trợ giáo viên như thế nào?
Hiện nay, Bộ Giáo dục Pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn với những nội dung nền tảng, tổng quát liên quan đến việc tích hợp các cụm môn học với nhau theo từng cấp lớp, với các chuẩn kiến thức và kỹ năng, cách thức tổ chức và đánh giá, các nội dung, chủ đề chính nhằm giúp các giáo viên dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị và tiến hành các chương trình giảng dạy.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Pháp chỉ đưa ra những hướng dẫn, những đường hướng chung, tạo ra những chính sách khuyến khích các giáo viên, làm các nghiên cứu, đánh giá, cung cấp những hình mẫu thành công và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên chứ không chen sâu một cách chi tiết vào công việc của các giáo viên tại các trường.
Sau nhiều năm thực hiện, Bộ Giáo dục Pháp khẳng định, hình thức giảng dạy tích hợp sát với đời thực vì cuộc sống vốn là một sự tổng hợp nhiều khía cạnh, để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống, hiếm khi chúng ta vận dụng một kiến thức chuyên ngành cụ thể nào đó mà thường vận dụng các kỹ năng và hiểu biết tích hợp từ nhiều loại kiến thức và các trải nghiệm thực tế.
Hình thức giảng dạy này thích hợp với cấp giáo dục phổ thông, giai đoạn trang bị cho các công dân tương lai các kiến thức và kỹ năng nền tảng, giáo dục các em các thái độ, trang bị cho các em vốn văn hóa cần cho cuộc sống chứ chưa đòi hỏi các học sinh đi sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành vốn là chức năng của các cấp học cao hơn.
TS Nguyễn Khánh Trung
Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED