Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 47 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 142,7 triệu USD, giảm 51,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có 16 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 173,7 triệu USD, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 316,4 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 147,7 triệu USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư; thông tin và truyền thông đạt 108,5 triệu USD, chiếm 34,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 15,1 triệu USD, chiếm 4,8%.
Trong 5 tháng đầu năm, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Dẫn đầu là Canada với 150,2 triệu USD, chiếm 47,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Singapore với 107,6 triệu USD, chiếm 34%; Lào 26,3 triệu USD, chiếm 8,3%; Cuba 9,3 triệu USD, chiếm 3%; Israel với 6,1 triệu USD, chiếm 1,9% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến 20.5.2023 Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 22,1 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm gần 52,8% tổng vốn đầu tư cả nước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,4%); Campuchia (13,3%); Venezuela (8,3%)…