Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng: Đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới
Có thể thấy, Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Với các nhiệm vụ như giám sát thực thi các hiệp định ngừng bắn, hỗ trợ xây dựng lại các quốc gia sau xung đột, và bảo vệ dân thường, lực lượng này góp phần quan trọng vào việc ổn định khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, qua đó gặt hái được nhiều lợi ích quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, giúp Việt Nam khẳng định cam kết và trách nhiệm của mình đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Việc đóng góp và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Việt Nam thời gian qua đã giúp các cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những tiêu chuẩn và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, từ đó nâng cao năng lực và kinh nghiệm.
Qua những hình ảnh và kết quả mà lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã đạt được, bản thân tôi luôn cảm thấy tràn đầy sự tự hào và cảm phục. Tự hào, vì đất nước chúng ta đã và đang góp phần vào công cuộc gìn giữ hòa bình toàn cầu. Những người lính Việt Nam, với bộ áo xanh dương đặc trưng, đã đem lại hy vọng và sự an toàn cho những vùng đất bị chiến tranh tàn phá. Họ không chỉ là những chiến sĩ mà còn là những người xây dựng hòa bình, đem lại ánh sáng mới cho những nơi từng chịu đựng bóng tối.
Cảm phục, vì những hy sinh thầm lặng và sự kiên cường của các chiến sĩ. Họ rời xa gia đình, vượt qua những khó khăn và nguy hiểm để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Điều này cho thấy lòng kiên định, tình yêu quê hương đất nước và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Việc tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc còn là một cách để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều đó chứng minh rằng chúng ta không chỉ là một dân tộc với lòng yêu nước mãnh liệt, mà còn là một dân tộc sẵn sàng góp phần vào hòa bình và phát triển bền vững của thế giới.
Việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã và đang khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình: Góp phần thực hiện đường lối đối ngoại hội nhập toàn diện của đất nước
Với đất nước chúng ta, việc cử các sĩ quan, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một bước phát triển vượt bậc về vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Có thể nói, 20 năm trước chúng ta chưa mường tượng được rằng có thể cử lực lượng chiến sĩ mũ nồi xanh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Tuy vậy, chỉ trong 10 năm qua chúng ta đã thực hiện được công việc này. Từ một vài chiến sĩ, cá nhân ban đầu tham gia, đến nay chúng ta đã cử được các đơn vị với đầy đủ lực lượng chuyên môn, trang thiết bị tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Tuy vậy, trong 10 năm trở lại đây, nhất là sau khi sau khi có Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta triển khai theo hướng hội nhập quốc tế toàn diện. Đứng từ góc độ Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, chúng tôi thấy rằng, gần như các lĩnh vực quản lý nhà nước chúng ta đều đã tham gia vào hội nhập quốc tế toàn diện và việc cử cán bộ, chiến sĩ của lực lượng quân đội, lực lượng công an tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là minh chứng rõ ràng cho việc thực hiện đường lối đối ngoại hội nhập toàn diện của đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương: Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và biết chia sẻ
Việt Nam là một nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và hơn ai hết những người lính Việt Nam mong muốn được hòa bình, mong muốn được sống gần gũi với gia đình, với người thân của mình. Tuy nhiên, với trách nhiệm, sứ mệnh là một thành viên của Liên Hợp Quốc cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, những người lính của chúng ta lại tiếp tục rời xa quê hương, đất nước, đi đến những vùng đất xa xôi, còn nhiều thiếu thốn để gìn giữ hòa bình, hy sinh hạnh phúc cá nhân cho cộng đồng quốc tế.
Từ một nước nhận hỗ trợ của quốc tế, ngày nay chúng ta là một thành phần của lực lượng gìn giữ hòa bình. Chúng tôi hiểu rằng, để trở thành một thành viên đóng góp tích cực cho cộng đồng toàn cầu cũng như là tham gia vào lực lượng này, chúng ta đã vượt lên chính mình rất nhiều. Chúng ta tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình là đã đạt được những tiêu chuẩn cao của Liên Hợp Quốc về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, pháp luật, sức khỏe...
Việc tham gia đóng góp của những người lính mũ nồi xanh cũng đã gửi thông điệp của đất nước Việt Nam, của con người Việt Nam là anh hùng, trách nhiệm, yêu chuộng hòa bình và biết chia sẻ, cả trong đất nước và đối với nhân loại. Chính điều đấy khiến cho vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng cao trên cộng đồng quốc tế.
Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng), Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng: Thông điệp về một Việt Nam nhân văn, nhân ái, thủy chung
Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đồng thời đây là việc chúng ta cụ thể hóa, quán triệt triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình chúng ta tham gia cũng thể hiện được vị trí, vai trò, uy tín và trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh và hòa bình thế giới. Đồng thời, chúng ta chuyển đi một bức thông điệp: đất nước Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, thủy chung, là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế và là thành viên có trách nhiệm.
Kết quả tham gia hoạt động giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là đóng góp vào kết quả bỏ phiếu cho Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu kỷ lục là 192/193 phiếu.
Việc thành lập Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trên cơ sở Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam là một xu thế tất yếu. Tôi xin nhấn mạnh thêm rằng chúng ta đã có bước chuẩn bị kỹ càng. Năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành đề án tổng thể. Hiến pháp năm 2013, Điều 89 có nêu rõ Hội đồng quốc phòng, an ninh cử lực lượng vũ trang nhân dân tham gia vào hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. điều này cũng là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho chúng ta triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong 10 năm qua.
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã triển khai được 1.046 lượt quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan công an nhân nhân Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (trong đó có 13 sĩ quan công an nhân dân).
Đối với hình thức đơn vị, tới nay, chúng ta đã triển khai được 6 đội bệnh viện dã chiến cấp hai với 63 quân nhân, 3 đội công binh với 184 quân nhân.
Đối với hình thức cá nhân, chúng ta triển khai được 137 lượt sĩ quan cá nhân tại các phái bộ như Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi). Chúng ta cũng rất tự hào là có 4 sĩ quan quân đội và 1 sĩ quan công an vượt qua vòng thi tuyển chọn rất khắt khe và làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York. Điều này thể hiện sự cố gắng rất lớn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để có những cán bộ có chất lượng cao ở đó.
Ngày 5.6.2018. Trung tâm huấn luyện của Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 trung tâm huấn luyện có uy tín của khu vực. Hiện nay, chúng ta phối hợp và hợp tác quốc tế rất mạnh. Hàng năm, chúng ta tổ chức các khóa huấn luyện quốc tế tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với rất nhiều khóa học như về sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần, sĩ quan quan sát viên quân sự... Chúng tôi cũng đã phối hợp, hỗ trợ cho Bộ Công an trong việc đào tạo và hỗ trợ các trung tâm quốc tế, cử các giảng viên Việt Nam tham gia tại các khóa huấn luyện ở nước ngoài. Trong 10 năm qua, chúng ta thể hiện đóng góp rất lớn. Đặc biệt, lãnh đạo Liên Hợp Quốc có đánh giá là quân nhân, người lính mũ nồi xanh Việt Nam là một trong những lực lượng tốt nhất trên thế giới, họ đánh giá rất cao.
Ngày 23.9.2024, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã có buổi gặp riêng với Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị Việt Nam tiếp tục mở rộng các loại hình và quy mô tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Điều đó thể hiện uy tín cũng như trách nhiệm của Việt Nam, đặc biệt về chuyên môn.
Bên cạnh đó, trong hơn 10 năm khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, chúng tôi cũng đã có tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tham mưu Chính phủ có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Điển hình như Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị định số 162/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Nghị định số 61/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Các bộ ngành, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đã có những Thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tất nhiên trong quá trình thực hiện cũng có những bất cập.
Một yếu tố nữa là hợp tác quốc tế, chúng ta đã ký kết với 10 đối tác quốc tế (như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Australia, New Zealand) và có những bản ghi nhớ với Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu. Có thể nói trong, 10 năm qua, các mặt hợp tác cũng như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng, được lãnh đạo Liên Hợp Quốc và đồng nghiệp quốc tế cũng như người dân địa phương, địa bàn đánh giá cao.
Đại úy Đỗ Huyền Trang, sỹ quan huấn luyện, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Biến khó khăn thành động lực phấn đấu
Nói về những khó khăn vất vả khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Trung Phi nói riêng và các Phái bộ khác nói chung, bên cạnh những bất ổn về tình hình an ninh chính trị, tiềm ẩn xung đột truyền thống, phi truyền thống thì các quân nhân cũng đối mặt với các nguy cơ liên quan đến dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết và Covid-19… ngoài ra còn cả những nguy cơ về thời tiết. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đối với quân nhân nữ. Sau mỗi nhiệm kỳ tham gia tại Phái bộ, họ xấu đi rất nhiều, hầu hết rụng tóc và phải dùng tóc giả.
Nữ quân nhân luôn mang trong mình những lo lắng về cả thể chất lẫn tinh thần, sức khỏe bản thân và sức khỏe sinh sản. Đặc biệt ở những vị trí quan sát viên quân sự, các nữ quân nhân phải tham gia các cuộc tuần tra, đối mặt với các nguy cơ như thiếu nước sạch, trở thành nạn nhân của các hành vi bóc lột tình dục.
Câu chuyện về sự hy sinh của đồng chí, đồng đội là mất mát, đau thương nhưng đồng thời cũng là bài học xương máu cho chúng tôi khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Chúng tôi vẫn tình nguyện xung phong lên đường, muốn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình lần thứ 2 nếu được cấp trên cho phép. Tôi cũng mong muốn các bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa tới chế độ cho các quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc để các chính sách tiếp tục được hoàn thiện.