Đạt tiêu chuẩn cao của Liên Hợp Quốc, đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế
Phát biểu tại tọa đàm “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 17.10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương chia sẻ tình cảm, cảm xúc của mình với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc: “Cá nhân tôi, ngay từ khi biết được chủ trương của Nhà nước ta sẽ cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, cũng như được nhìn thấy trên truyền hình hình ảnh của những chiến sĩ mũ nồi xanh tham gia ở những chiến trường khắc nghiệt và khó khăn như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào. Và khi được nghe những lời chia sẻ của người trong cuộc, cảm xúc đấy lại càng nhân lên gấp bội”.
Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Phương, Việt Nam là đất nước đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh và hơn ai hết những người lính Việt Nam mong muốn được hòa bình, được sống gần gũi với gia đình, người thân của mình. Tuy nhiên, với trách nhiệm, sứ mệnh là thành viên của Liên Hợp Quốc cũng như trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, những người lính của Việt Nam đã hy sinh hạnh phúc riêng của cá nhân, tiếp tục rời xa quê hương, đất nước, đi đến những quốc gia rất xa xôi, có điều kiện rất thiếu thốn để gìn giữ hòa bình cho cộng đồng quốc tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, với người lính là nam giới, sự hy sinh đấy đã rất lớn, còn đối với nữ quân nhân thì còn khó khăn gấp bội. Qua đó cho thấy sự dũng cảm, nỗ lực của những người lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình là rất lớn và rất đáng trân trọng.
Cần thiết xây dựng luật để có cơ sở pháp lý vững chắc
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương, hiện nay, văn bản pháp lý cao nhất để điều chỉnh hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 13.11.2020. Nghị quyết gồm 6 chương, 18 điều, khá cô đọng, bởi thời điểm xây dựng Nghị quyết này, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động này nên số lượng nội dung điều chỉnh không nhiều. Các nội dung liên quan đến chính sách được giao quyền lại cho Chính phủ quy định là hợp lý, bảo đảm sự linh hoạt khi điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, các chính sách cũng được thay đổi.
Cho rằng cần thiết ban hành Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Phương làm rõ: “Việc xây dựng Luật là cần thiết, bởi chúng ta cần có văn bản pháp lý hiệu lực cao, để thứ nhất là có cơ sở pháp lý vững chắc, thứ hai là thể hiện được cho cộng đồng quốc tế thấy trách nhiệm, sự nghiêm túc của Việt Nam trong quy định pháp lý và thứ ba là để phù hợp với cam kết quốc tế mà nước ta tham gia trong lĩnh vực này”.
Sự cần thiết của dự án Luật này đã được chứng minh bởi đề nghị xây dựng luật đã được thông qua, được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025. Về cơ bản, quan điểm xây dựng của các dự án Luật đi theo hướng bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, của Nhà nước, tuân thủ Hiến pháp, kế thừa những quy định đã được chứng minh phát huy tính hiệu lực trên thực tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, với 3 chính sách của dự án luật đã được thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, về cơ bản đã đảm bảo sự cần thiết cho lực lượng gìn giữ hòa bình. Dự án này do Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật phối hợp tham gia thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện. Thời gian tới, Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh để có dự án luật bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả trên thực tế.