Qua theo dõi hoạt động của Quốc hội Khóa XV, chúng ta thấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã nỗ lực thực hiện nhiều đổi mới, được đông đảo cử tri, Nhân dân đánh giá cao.
"Giãn cách kỳ họp"- thích ứng, tiết kiệm, hiệu quả
Đất nước ta đang bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều phải điều chỉnh, đổi mới để thích ứng, phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm vừa chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh ấy, Quốc hội Khóa XV đã chủ động đổi mới cách thức tổ chức các kỳ họp ngay từ đầu nhiệm kỳ. Qua hai kỳ họp, Quốc hội đã chia kỳ họp thành hai đợt, đợt một họp theo hình thức trực tuyến giữa các đại biểu ở Trung ương và các đoàn đại biểu ở địa phương; đợt hai, họp trực tiếp tại hội trường Quốc hội để trực tiếp thảo luận, trao đổi, giải trình, thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn và biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp về những vấn đề quan trọng, thông qua các văn bản pháp luật.
Hình thức họp trực tuyến được nhiều đại biểu hưởng ứng, vừa hạn chế thời gian tập trung đông người để phòng dịch, đại biểu lại không phải tập trung dài ngày về Hà Nội, vẫn tham gia đầy đủ kỳ họp, lại có nhiều hơn thời gian nghiên cứu tài liệu mà vẫn thực hiện được công việc chuyên môn. Nhất là các đại biểu là lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, nhờ đó đã góp phần tiết kiệm chi phí đi lại, sinh hoạt, ăn ở tập trung tại Hà Nội mà vẫn đạt hiệu quả cao.
Cử tri theo dõi các phiên thảo luận trực tuyến đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các ĐBQH thể hiện sự tâm huyết, có chiều sâu, trách nhiệm, tiêu biểu cho trí tuệ của cử tri, hội tụ được lòng dân, rất thiết thực trước các vấn đề quan trọng của đất nước. Cử tri và Nhân dân ghi nhận và hài lòng về những nỗ lực của Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH, thể hiện rõ nét tinh thần làm việc vì dân, không ngừng đổi mới, nói đi đôi với làm, quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội.
Hoạt động lập pháp chủ động, kịp thời, công khai
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh chóng, bền vững”, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Đề án định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ 5 năm, tạo điều kiện để Quốc hội có kế hoạch chuẩn bị từ sớm, từ xa, các cơ quan của Quốc hội đồng hành với Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng những dự án luật trình Quốc hội bảo đảm chất lượng. Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã được Bộ Chính trị nhất trí thông qua, theo Kết luận số 19-KL/TW.
Với tinh thần đổi mới hoạt động lập pháp, Quốc hội Khóa XV tập trung vào các nội dung: Tập trung xây dựng và hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện các quy phạm pháp luật về giáo dục, khoa học, công nghệ và các vấn đề xã hội; nâng cao năng lực nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã gia nhập hoặc ký kết.
Giám sát chủ động, trọng tâm, linh hoạt
Ngay sau Kỳ họp thứ Nhất, ngày 27.8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị triển khai 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát vì đây là khâu trọng yếu để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; phải xác định rõ mục đích, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát, từ đó xác định được phạm vi, đối tượng và lĩnh vực trọng điểm phải tiến hành giám sát.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đoàn giám sát phải hết sức linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Những vấn đề nào vừa qua đã có giám sát, báo cáo rồi thì tận dụng kết quả này và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung, cập nhật chứ không cần thiết phải làm lại từ đầu; đồng thời, các địa phương cần phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, có đầu mối chịu trách nhiệm, phối hợp chặt giữa các cơ quan. Tiếp đó, ngay trong khoảng thời gian giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ Hai, một hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội đã được tổ chức (sáng4.11) do Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công thực hiện các nội dung giám sát cụ thể trong chương trình giám sát năm 2022.
Mỗi đại biểu cần "tự đổi mới"
Có thể nói, mới qua khoảng thời gian chưa đầy 5 tháng, kể từ khi Quốc hội Khóa XV tổ chức Kỳ họp thứ Nhất đến nay, trên tinh thần quyết tâm đổi mới và ứng phó phù hợp với tình hình vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với sự tham gia tích cực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH hoạt động của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả hết sức tích cực, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao.
Để theo kịp và đáp ứng ứng yêu cầu đổi mới các hoạt động của Quốc hội, mỗi ĐBQH cần "đổi mới" chính mình. Theo đó, cần nêu cao trách nhiệm chính trị của người đại biểu nhân dân, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân cả nước, sắp xếp hợp lý thời gian công tác của riêng mình để tham gia nhiều nhất vào các hoạt động của Quốc hội. Đại biểu cần thích ứng với hình thức họp trực tuyến cũng như các hoạt động khác trong tình hình dịch bệnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động của Quốc hội. Mỗi đại biểu, nhất là những đại biểu mới tham gia lần đầu phải tự trau dồi, tự học, rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động.
Đặc biệt, cần tăng cường giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, với địa phương nơi mình ứng cử, thu thập, nắm bắt đầy đủ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, tâm tư nguyện vọng của cử tri, của Nhân dân. Đổi mới, đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri cho phù hợp với tình hình mới, nhưng bảo đảm sự liên hệ chặt chẽ với cử tri, không vì phòng dịch bệnh mà xa rời Nhân dân.
Đất nước ta có được cơ đồ như hôm nay cũng là kết quả của sự kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới đó. Cử tri cả nước tin tưởng và hy vọng với nỗ lực quyết tâm đổi mới của Quốc hội và của mỗi đại biểu, năng lực, hiệu quả hoạt động sẽ được nâng lên, Quốc hội Khóa XV sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp, ngày càng đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.