Trong 16 ngày liên tục, các trọng tài, trợ lý trọng tài sẽ được các giảng viên Ban Trọng tài và giảng viên FIFA hướng dẫn, đào tạo, làm quen với VAR trong phòng LAB ở mức độ đòi hỏi cao hơn về chuyên môn, như phân tích, đánh giá các video clip tình huống phức tạp dài 3 - 5 phút, cùng việc áp dụng một trận đấu 90 phút trực tiếp hoặc ghi trước.
Đây là bước đi tiếp theo, tiến gần hơn nữa việc VAR có thể sớm áp dụng vào các trận đấu tại V-League, qua đó hỗ trợ các trọng tài hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trên sân.
Trước đó, từ ngày 20.2 - 4.3, 18 trọng tài, trợ lý trọng tài này (bao gồm 4 trọng tài FIFA, 12 trọng tài quốc gia và 2 trợ lý FIFA) đã hoàn thành khóa đào tạo làm quen với công nghệ VAR mức độ 1 trên hệ thống mô phỏng với tình huống đơn giản.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Nguyễn Minh Ngọc cho biết, dự kiến, tháng 5 hoặc tháng 6, các thiết bị phục vụ công nghệ VAR sẽ được chuyển về tới Việt Nam. Việc thực hành trực tiếp trên các thiết bị VAR chính là bước đào tạo cuối cho các trọng tài VAR.
Tất cả quá trình đào tạo trọng tài VAR đều sẽ được ghi hình, gửi cho FIFA đánh giá, nhận xét cho từng trọng tài. VAR chỉ chính thức được áp dụng sau khi FIFA phê duyệt triển khai tất cả các bước thực hiện về công nghệ kỹ thuật xe VAR và quy trình đào tạo trọng tài.
“Trong sự phát triển của bóng đá hiện đại, công nghệ VAR rất quan trọng, giúp giảm thiểu sai sót không đáng có của trọng tài. Với thực tiễn bóng đá Việt Nam, VAR sớm xuất hiện tại V.League không chỉ là mong muốn của các CLB, mà cũng là mong muốn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty VPF, Ban Trọng tài trong việc tạo nên giải đấu hay hơn, hấp dẫn và công bằng hơn”, ông Nguyễn Minh Ngọc nói.