Đây là ý kiến nêu tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11.7.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng. Trong đó, có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Những sửa đổi này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) "ít chữ" nhất nhưng lại ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, ngành hàng. Quá trình soạn thảo, hoàn thiện dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến khác nhau khi Bộ Tài chính dự kiến đưa thêm mặt hàng chịu thuế vào dự thảo, hay tăng thuế suất.
Dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 10 tới đây. Sau khi thảo luận qua hai kỳ họp, dự kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026. Ban soạn thảo cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để chọn phương thức tối ưu nhất, ông Tuấn nói.
Trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao...
Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai. Từ đó giảm áp lực, quá tải với hệ thống y tế, bệnh viện.
Tuy nhiên, theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, hiệu quả của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường với mục tiêu bảo vệ sức khỏe là không rõ ràng. Bởi nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất dẫn đến bệnh thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Bà Vân Anh cho rằng, bệnh béo phì là căn bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra bao gồm nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất... Các khuyến cáo được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đưa ra trong việc giảm thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm là một chế độ ăn cân bằng tất cả các chất dinh dưỡng; tăng cường các hoạt động thể chất; các chất cần phải hạn chế gồm các chất béo, muối, đường, các thực phẩm giàu năng lượng.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) dẫn chứng, thực tế không ít quốc gia bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sau thời gian dài áp dụng nhưng không đem lại hiệu quả ngăn thừa cân béo phì, nhưng kinh tế thì bị ảnh hưởng. Na Uy áp dụng thuế này từ 1981, sau 40 năm thực hiện, thừa cân, béo phì vẫn tiếp tục tăng, do đó nước này bỏ áp thuế từ tháng 7.2021.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường còn có thể tác động đáng kể tới các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, Hiệp hội đề nghị không áp thuế tiêu dùng đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cũng khuyến nghị các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tránh tạo ra những rủi ro chính sách cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát.
Theo ông Phụng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không chỉ có nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp, mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.