Chủ trương đúng, đề xuất hay, giải pháp phải trọng tâm, trọng điểm
Các ĐBQH cơ bản thống nhất với đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) đánh giá, nền kinh tế thời gian qua đạt nhiều kết quả khá toàn toàn diện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.
Lưu ý khu vực doanh nghiệp hiện không có tăng trưởng tín dụng, đại biểu đề nghị tập trung tháo gỡ bởi doanh nghiệp là chủ thể quan trọng, nếu khu vực này không phát triển, không tăng trưởng thì có bảo đảm được đột phá trong tăng trưởng không, có bền vững không?
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi vẫn còn lúng túng, chưa đồng bộ, đầu tư lớn nhưng hiệu quả chưa cao, cần phân tích rõ vấn đề này.
Chia sẻ một số ý kiến cho rằng việc triển khai chậm là do cán bộ né tránh, không dám làm, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đặt câu hỏi: tại sao lại vẫn có nhiều địa phương làm tốt?
Nhận định văn kiện, chủ trương đúng, đề xuất hay nhưng thực hiện chưa được, nhiều đề xuất còn chậm, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, giải pháp cần tập trung, có trọng điểm, cụ thể và tổ chức thực hiện phải quyết liệt hơn.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những khó khăn, thách thức trong báo cáo đánh giá của Chính phủ còn khá mờ nhạt; đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, nhất là những vấn đề mới nổi lên để Quốc hội có những quyết sách kịp thời tại Kỳ họp này.
Đại biểu phân tích, tăng trưởng GDP quý I.2024 đạt 5,56% cao nhất từ 2020 đến nay. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhìn vào dữ liệu khác, trong đó 4 tháng đầu năm nay ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, bình quân có khoảng trên 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hàng tháng. Ủy ban Kinh tế cho biết, đây là lần đầu tiên trong 5 năm, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm lại thấp hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
"Vậy, cần chính sách kích thích hỗ trợ cho doanh nghiệp như thế nào, đề nghị cần phân tích đánh giá để những chính sách kịp thời", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Hay một vấn đề khác là tiêu dùng hàng hóa yếu do thu nhập tăng chậm trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, cần nhìn nhận cho thấu đáo, đầy đủ.
Một vấn đề quan trọng khác nổi lên thời gian qua là sự "nhảy múa" giá vàng, sự bất ổn của thị trường vàng gây tác động tiêu cực, ngoài dự tính. Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sao cho phù hợp và những giải pháp căn cơ hơn để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, cần nhìn nhận thực chất hơn về tín dụng ngân hàng, hiện tăng trưởng yếu, cuối tháng 4.2024 mới chỉ đạt 2% thì kinh tế phục hồi sẽ rất khó. Đại biểu lưu ý số liệu luôn tăng đột biến trong các thời điểm chốt năm, chốt quý sau đó rơi nhanh, nếu không có quyết sách phù hợp thì không thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị Quốc hội sớm cho áp dụng Luật Đất đai từ ngày 1.7.2024 để mở đường cho các luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Chính phủ nên ban hành các nghị định hướng dẫn kịp thời, từ đó mở đường cho phát triển kinh tế.
Đối với tỉnh Quảng Trị, đại biểu mong muốn Chính phủ, Quốc hội ủng hộ tỉnh có cơ chế đặc thù trong năm 2024 thực hiện tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Đây là điểm đầu của hành lang kinh tế Đông Tây và kết nối tuyến cao tốc Bắc - Nam, kết nối vùng. Từ đó, kinh tế tỉnh sẽ có điểm tựa bứt phá, phát triển hơn.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đề nghị tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, nếu Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực sớm thì sẽ khơi thông được nguồn lực, tạo cơ hội đầu tư, tháo gỡ cho các dự án đang vướng mắc. Tuy nhiên, để 3 luật này có hiệu lực sớm thì phải tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ trương đúng nhưng phải làm nhanh và cần phân cấp, phân quyền rõ cho địa phương.
Thứ hai, về tín dụng, hiện có những gói, những quỹ Chính phủ dự kiến thành lập theo pháp luật thì cũng phải được đánh giá. Tín dụng nên trực tiếp hỗ trợ thêm cho quá trình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu bởi đây là những lĩnh vực tác động tích cực cho phát triển kinh tế.
Thứ ba, đối với các công trình dự án trọng điểm, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các quy trình thủ tục cần được đẩy nhanh hơn nữa.
ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số vì đây đang là xu hướng phát triển ở các quốc gia đang phát triển. Theo đó, cần thiết đẩy mạnh gói chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số về vốn và cả nguồn lực...
Trao đổi các ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBQH Nguyễn Chí Dũng (Quảng Trị) cho biết, thời gian tới sẽ tập trung vào những giải pháp ngắn hạn và dài hạn; đẩy mạnh 3 động lực cũ, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đẩy nhanh đầu tư công, thể chế; sớm triển khai Luật Đất đai; cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh...