Nhiều đại biểu băn khoăn: Tăng trưởng GDP phục hồi, vậy tại sao số doanh nghiệp rời thị trường vẫn cao hơn số thành lập mới? Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng trung bình 2 năm gần đây, song số doanh nghiệp rút lui tăng cao hơn đã phản ánh thực tế sức khỏe của các doanh nghiệp vẫn còn yếu.
ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 đạt 217,7 nghìn doanh nghiệp, 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 7,2% so với năm 2022) và 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao hơn số rút lui khỏi thị trường (172,6 nghìn doanh nghiệp), cho thấy nền kinh tế từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, theo đại biểu, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cho thấy, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, nhận định trên chưa đầy đủ, chưa nói hết được những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, tuyển dụng lao động, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận vốn...
“Báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá tình hình, kết quả hỗ trợ doanh nghiệp theo các chương trình phục hồi kinh tế sau Covid-19, các Quyết định số 01/QĐ-TTg, 25/QĐ-TTg, Nghị quyết số 105/NQ-CP về giảm thuế, miễn thuế, giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất vay, hỗ trợ tiếp cận vốn... chưa có số liệu cụ thể, chưa được làm rõ” - đại biểu Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh.
Cùng băn khoăn về tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, ĐBQH Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) nêu, năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 14.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2024, có 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại nhưng có đến 86.400 doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể, cho thấy số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động lại cao hơn số doanh nghiệp khôi phục và đăng ký mới. Bình quân trong 4 tháng đầu năm 2024, mỗi tháng có đến 21.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Đại biểu Phạm Hùng Thái cho rằng, đây là một trong những tín hiệu rất đáng quan tâm, đề nghị Chính phủ chú trọng những giải pháp cụ thể, quyết liệt, tập trung giải quyết để làm chuyển biến những chỉ số, con số trên.
Thống nhất cao với ý kiến của các đại biểu, ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị cần phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng về nguyên nhân và sự ảnh hưởng của số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn cả số lượng doanh nghiệp rút lui và ngừng hoạt động. Bởi thực tế các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cần thời gian để tiếp cận và mở rộng, tìm kiếm thị trường cho việc phát triển. Trong khi những doanh nghiệp đã có sẵn thị trường nhất định thì lại rút lui và ngừng hoạt động.
Theo đại biểu, vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Đề án phát triển 1 triệu doanh nghiệp của Việt Nam. Cần phân tích nhóm doanh nghiệp này tập trung ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào? Nguyên nhân vì sao việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp không đạt được như kỳ vọng?
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Chí Cường băn khoăn khi mặt bằng lãi suất đã kéo giảm, nhưng việc tiếp cận và vay vốn của doanh nghiệp thì lại thấp. Trong khi số lượng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn rất lớn.