Còn quá ít người dân biết đến quy hoạch
Dẫn kết quả phân tích số liệu điều tra của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu rõ, trong điều tra khảo sát hiệu quả quản trị hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam cho thấy, trong 8 chỉ số khảo sát thì chỉ số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở thuộc nhóm hai chỉ số có điểm đánh giá thấp nhất, chỉ cao hơn chỉ số quản trị điện tử ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật về lập quy hoạch đều yêu cầu cơ quan lập quy hoạch phải tiếp thu, giải trình lý do không tiếp thu ý kiến của người dân. Chỉ số này đánh giá mức độ dân bàn được thực hiện đến đâu hay chỉ mang tính hình thức. Về tỷ lệ người dân biết chính quyền đã tiếp thu ý kiến đóng góp ý kiến của họ cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương thực sự rất đáng mừng. Thấp nhất là 70,4% năm 2015 và cao nhất là 89.8% năm 2019. Điều này cho thấy chính quyền đã thực sự lắng nghe ý kiến người dân và cũng cho thấy tính xác đáng hay chất lượng ý kiến của người dân khi đóng góp ý kiến cho chính quyền.
Cũng cho rằng trên thực tế sự tham gia của cộng đồng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh, có một số bất cập do hệ thống văn bản pháp luật còn quy định chưa chặt chẽ, việc lấy ý kiến chưa có tiêu chí lựa chọn các nhóm cộng đồng phù hợp với từng loại đồ án quy hoạch đô thị, các đồ án quy hoạch có mức độ ảnh hưởng khác nhau cần có sự tham gia khác nhau của cộng đồng. Trong quy định của pháp luật hiện hành, cụm từ “cá nhân có liên quan” và “cộng đồng dân cư” chưa được giải thích rõ, điều này gây khó khăn trong vấn đề xác định đối tượng để lấy ý kiến trong quy hoạch đô thị. Việc lấy ý kiến thường thông qua đại diện của nhóm cộng đồng, nhưng do chưa có tiêu chí lựa chọn đại diện nên việc lấy ý kiến thường thiếu chính xác. Đối với quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết có lợi ích liên quan trực tiếp đến người dân thì cần phải lấy ý kiến rộng rãi của những người có liên quan chứ không chỉ là đại diện tổ dân phố.
"Kết quả khảo sát cũng cho thấy còn quá ít người dân biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi mình cư trú, năm cao nhất chỉ có 20% số người được hỏi biết về thông tin này. Trong khi đó năm thấp nhất có chưa đến 12% số người được hỏi trả lời là biết thông tin trên. Tỷ lệ số người được hỏi cho biết đã có dịp tham gia góp ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ cư trú còn quá thấp, năm cao nhất cũng chỉ có 7% số người được hỏi cho biết đã từng đóng góp ý kiến, năm thấp nhất tỷ lệ này là 2,8%", ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh cho biết.
Chưa có tiêu chí lựa chọn các nhóm cộng đồng phù hợp
Lý giải nguyên nhân của thực trạng nêu trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, trong chương 3 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch quy định việc lấy ý kiến của người dân về quy hoạch gồm 4 điều từ điều 29 đến điều 32. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa được xem là sự tham gia của cộng đồng đúng nghĩa, chưa có tiêu chí hay hệ thống các giá trị để giúp người dân tham gia đóng góp ý kiến, đánh giá các đồ án quy hoạch.
"Những quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng còn khá chung chung, vai trò của cộng đồng chưa được quy định rõ, có đến 4 chủ thể liên quan đến quy hoạch là Nhà nước, tư vấn, chủ đầu tư và người dân nhưng Luật vẫn chưa quy định rõ biện pháp chế tài nào, nếu ai sai thì bị xử lý ra sao, mức độ xử lý đến đâu", đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định được cơ chế thương thuyết và giải quyết các vướng mắc của người dân nếu người dân chưa hài lòng với cách giải quyết của chính quyền. Về cơ chế giám sát việc lấy ý kiến của cộng đồng, cơ chế phản hồi và giải trình trước sự tham gia của cộng đồng cũng cần phải được thể chế hóa. Bên cạnh đó, cũng cần đề xuất các yêu cầu, tiêu chí đặt ra đối với kiến thức, kỹ năng của nhà tư vấn, nhà quản lý khi áp dụng thực hiện các quy trình có sự tham gia của cộng đồng.
Để việc thực hiện lấy ý kiến của người dân được tốt hơn, các đại biểu Quốc hội kiến nghị, chính quyền các cấp, đội ngũ công chức cần thực sự coi phục vụ người dân là mục tiêu chính trong hoạt động của mình. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập quy hoạch không chỉ làm theo đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin, lấy ý kiến người dân mà còn tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm phân bố dân cư để có biện pháp đưa thông tin đến người dân một cách phù hợp nhất. "Cùng một nội dung nhưng phải có kế hoạch tổ chức thông tin, lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm dân cư. Việc nghiên cứu phương pháp có sự tham gia của cộng đồng vào công tác quy hoạch là rất cần thiết, góp phần phát triển xã hội theo hướng công bằng, dân chủ và bền vững".