Đảm bảo thực hiện không chồng chéo, trùng lắp
Qua 5 năm triển khai thực hiện cho thấy, về cơ bản, hầu hết các nội dung của Quy định số 212-QĐ/TW của Ban Bí thư vẫn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Nội dung Quy định số 212-QĐ/TW nhìn chung đồng bộ với quy định, hướng dẫn, Điều lệ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, dễ hiểu, dễ thực hiện, cơ bản xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.
Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần các nghị quyết của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII.
Quy định số 212-QĐ/TW đã quy định cụ thể, chi tiết chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế các cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định rõ số lượng cấp phó căn cứ theo tiêu chí biên chế của tổ chức, qua đó bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc phù hợp. Công tác quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Quy định số 212-QĐ/TW đã được cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, nghiêm túc thực hiện đạt hiệu quả.
Tham gia góp ý vào Dự thảo Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 212-QĐ/TW, cơ bản các đại biểu đều cho rằng, Dự thảo Đề án đã kế thừa đầy đủ những nội dung có tính nguyên tắc và còn phù hợp trong Quy định. Đồng thời, nhất trí với nội dung, bố cục của Dự thảo Đề án và các nội dung đề nghị bổ sung, sửa đổi gồm: phạm vi và đối tượng điều chỉnh (Điều 1); nguyên tắc tổ chức (Điều 2); chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy…
Những nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc, quan điểm, chủ trương mới của T.Ư về thống nhất quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và nội dung liên quan trong các văn bản của T.Ư ban hành từ Đại hội XIII đến nay, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cần có cơ chế đặc thù tạo đột phá, phát triển vượt bậc xứng đáng với vị thế của Thủ đô
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định việc thực hiện Quy định số 212-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan chuyên trách của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, gắn với việc bố trí cán bộ, công chức, người lao động theo vị trí việc làm, đảm bảo chất lượng, tinh gọn và hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện kết quả rà soát của các địa phương, cơ quan, đơn vị, ngày 19.6.2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 32-ĐA/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP.Hà Nội theo Quy định số 212-QĐ/TW, ngày 30.12.2019 của Ban Bí thư; thống nhất thực hiện trong toàn Đảng bộ từ ngày 1.7.2020.
Trong 5 năm triển khai thực hiện Quy định, cơ bản nguyên tắc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức bộ máy, biên chế của các đơn vị được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm quy định về nguyên tắc thành lập đầu mối trực thuộc, số lượng lãnh đạo cấp phó chuyên trách, số lượng phòng, ban, thành lập, giải thể và xác định số lượng viên chức đối với TP. Hà Nội.
Kết quả hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố trong thời gian vừa qua cơ bản đảm bảo các yêu cầu đề ra, góp phần cùng hệ thống chính trị thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Thành ủy Hà Nội kiến nghị T.Ư xem xét, giao bổ sung biên chế cho khối Đảng, đoàn thể thành phố để thực hiện đúng chỉ tiêu tinh giản 5% công chức, 10% viên chức theo Kết luận của Bộ Chính trị.
Đồng thời giao bổ sung biên chế cho khối đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố hoặc giao quyền cho Ban Thường vụ Thành ủy được xem xét, điều tiết biên chế giữa khối Đảng, đoàn thể và khối chính quyền của thành phố trong tổng số biên chế được T.Ư giao.
Bên cạnh đó cũng đề xuất Ban Tổ chức T.Ư phối hợp với Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hướng dẫn cụ thể về việc giao biên chế cho công đoàn địa phương, đặc biệt đối với các công đoàn ngành địa phương. Thực tế hiện nay, căn cứ số lượng biên chế được T.Ư giao, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ thực hiện giao biên chế cho cơ quan chuyên trách Liên đoàn Lao động thành phố, không còn nguồn biên chế để giao cho 9 công đoàn ngành thành phố.
Với quan điểm phân cấp phân quyền mạnh mẽ với nhiều quy định mới, mang tính đột phá được quy định tại Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, Thành ủy Hà Nội mong Ban Tổ chức T.Ư quan tâm hơn nữa đến các đề xuất, kiến nghị công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố nói riêng và công tác tổ chức xây dựng Đảng của thành phố nói chung, tham mưu các cơ chế đặc thù tạo đột phá, phát triển vượt bậc, xứng đáng với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước.