Đó là các tượng Kut, tượng đá, núm vàng, đồ dùng, bộ trang sức của hoàng tộc Chăm, bức tranh “cô gái Chăm” của họa sĩ Đàng Năng Thọ… Đây là những hiện vật được ông Nguyễn Ngọc Ẩn sưu tầm, nghiên cứu hơn 30 năm nay và lần đầu tiên triển lãm.
Bên cạnh đó, còn có những hiện vật gốm sứ Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn; đôi đũa ngà nạm vàng, khuyên tai chất liệu vàng và các trang sức bằng chất liệu bạc, đồng… từ thế kỷ X - XIII, phát hiện ở di chỉ Tà Lú (xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình) năm 2000.
Trong không gian trưng bày, người xem còn thấy một Phan Thiết xưa với những xóm nhà chồ, sinh hoạt hằng ngày của cư dân vùng biển qua tranh của họa sĩ Tô Minh được ông Nguyễn Ngọc Ẩn sưu tầm.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn chia sẻ: Qua hơn 300 hiện vật, hình ảnh tiêu biểu gói gọn trong không gian trưng bày nhỏ chừng vài chục mét vuông tại di tích tháp Pô Sah Inư, tôi muốn nhân dân và du khách thấy rằng văn hóa người Chăm và văn hóa người Kinh từ thế kỷ thứ X - XIX rất phong phú, đa dạng, cần nghiên cứu nhiều hơn để phát huy giá trị. Đồng thời, cũng thấy được sự giao lưu giữa văn hóa Chăm Bình Thuận và người Chăm sinh sống ở các vùng miền hay nét đan xen giữa văn hóa sông Đồng Nai với văn hóa Đa Kai Bình Thuận…
Triển lãm “Di sản văn hóa Bình Thuận kết nối các vùng, miền” diễn ra đến hết ngày 6.9 tại di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.