Trò chuyện đầu tuần

Đa dạng văn hóa gia tăng cơ hội phát triển

Phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, thảo luận sôi nổi của các nghị sĩ trẻ. PGS. TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tin tưởng, bằng nhận thức chung sâu sắc và vị trí quan trọng của các nghị sĩ trẻ toàn cầu, các quốc gia sẽ hình thành khuôn khổ pháp lý và hành động cụ thể để phát triển văn hóa và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Vấn đề quan trọng của tất cả quốc gia

- Là diễn giả phát biểu đề dẫn và tham gia điều hành phiên thảo luận, ông nhận thấy các nước chia sẻ quan điểm và tầm nhìn về việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững như thế nào?

- Điều đầu tiên chúng ta thấy rõ là sự đồng tình, nhất trí, ủng hộ của nghị sĩ trẻ các nước đối với chủ đề phiên thảo luận do Việt Nam đề xuất. Điều đó cho thấy đóng góp của Việt Nam trong việc nhìn nhận ra một vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững từ văn hóa nói chung, đa dạng văn hóa nói riêng.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận - Ảnh: Quang Khánh
PGS. TS Bùi Hoài Sơn phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận. Ảnh: Quang Khánh

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, tôn trọng sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc, đồng thời chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển. Việc bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau sẽ đưa các quốc gia, các nền văn hóa cùng hợp tác, đối thoại, xây dựng niềm tin và chia sẻ để cùng tồn tại và phát triển”.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Các trao đổi, thảo luận trong phiên thảo luận thứ 3 rất sôi nổi, vượt quá cả thời gian vốn quy định chỉ trong một buổi sáng, cho thấy đa dạng văn hóa chính là một vấn đề quan trọng của tất cả các quốc gia. Mỗi quốc gia đều có những ví dụ riêng, tuy nhiên, điều đồng thuận cao nhất là tất cả đều đề cao, tôn trọng, thúc đẩy tính đa dạng văn hóa của nước mình như một hình thức để tạo dựng hòa bình, ổn định, phồn vinh và hạnh phúc ở trong nước cũng như trong các mối quan hệ quốc tế. Đúng như trong phát biểu đề dẫn của đoàn Việt Nam, đa dạng văn hóa là nhân tố quyết định sự giàu có và phong phú của nguồn tài nguyên văn hóa, từ đó làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia.

- Theo ông, tại sao các nghị sĩ trẻ toàn cầu dành sự quan tâm đặc biệt đến vậy cho chủ đề thảo luận này?

- Văn hóa ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển của thế giới. Sau khi chúng ta đã cơ bản vượt qua những nhu cầu cơ bản của con người, thì đời sống tinh thần dần quyết định chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của con người và cả thịnh vượng của quốc gia. Chính vì tầm quan trọng đó, chúng ta đã thấy sự dịch chuyển trọng tâm chú ý của cả thế giới đối với văn hóa. Các quốc gia giờ đây tập trung nhiều hơn cho việc bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên bản lĩnh để hội nhập quốc tế tốt hơn.

Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã khiến tất cả quốc gia đều phải đối mặt với xã hội số, kinh tế số, công dân số và văn hóa số, ở đó chứa đựng cả cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn cho việc bảo vệ các biểu đạt đa dạng của văn hóa.

Đó là lý do Quốc hội các nước đều mong muốn thiết lập hệ thống chính sách, luật pháp để tạo điều kiện, môi trường cho văn hóa phát triển, từ đó đem lại lợi thế cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Nghị sĩ trẻ chính là những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình thảo luận và đưa ra những chính sách, pháp luật này. Vì thế, chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” thực sự rất phù hợp với ưu tiên chung của Quốc hội các nước và của Quốc hội Việt Nam; được các nghị sĩ trẻ quan tâm.

Văn hóa không phải thứ gì đó xa xỉ”

- Ông ấn tượng với sáng kiến hay thực hành nào được nghị sĩ trẻ các nước trao đổi tại phiên thảo luận?

Phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” - Ảnh: Quang Khánh
Phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”. Ảnh: Quang Khánh

- Nếu theo đúng tinh thần của đa dạng văn hóa, sẽ không có sáng kiến hay thực hành này tốt hơn sáng kiến và thực hành khác. Tôn trọng đa dạng văn hóa chính là việc chúng ta tôn trọng suy nghĩ, hành động, cách làm, lối sống, phong cách hay lớn hơn là giá trị... của người khác, cộng đồng khác, quốc gia khác. Hay nói một cách dễ hiểu là chúng ta cần tránh bất kỳ sự so sánh nào trong văn hóa. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là chúng ta không có suy nghĩ riêng, ấn tượng nhất định đối với sáng kiến của các nước. Mỗi nước đều cho tôi một kinh nghiệm quý để trong những hoàn cảnh nhất định, mình có thể học hỏi nếu cảm thấy phù hợp.

Trong phiên thảo luận, tôi ấn tượng với phát biểu của nghị sĩ trẻ đến từ Somalia, rằng “văn hóa không phải là thứ gì đó xa xỉ. Văn hóa là nhu cầu thiết yếu của con người”. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về việc đáp ứng quyền văn hóa của nhân dân, lấy nhu cầu văn hóa của nhân dân là mục tiêu quan trọng của quản lý Nhà nước về văn hóa. Tư tưởng này rất gần gũi với quan điểm của Đảng ta về việc lấy dân làm gốc, hay tư tưởng dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng trong các hoạt động văn hóa.

Bên cạnh đó, nhiều nghị sĩ trẻ cũng bàn về tác động của chuyển đổi số, của trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng xã hội đến với văn hóa và con người. Từ ý tưởng của đại biểu đến từ Ghana, tôi nghĩ nhiều đến một ý tưởng là: nếu con người không giải quyết, xử lý được những vấn đề của công nghệ (như AI), thì sẽ đến lúc AI sẽ giải quyết, xử lý con người; đây không hoàn toàn là lo lắng nữa mà đã là sự thật rất gần chúng ta rồi.

Ngoài ra, đại biểu Burkina Faso nhắc về Bộ chỉ số phát triển văn hóa theo Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là một trong số ít quốc gia tiên phong, đang xây dựng. Họ nhấn mạnh là các quốc gia châu Phi đang tích cực triển khai bộ chỉ số này để có thể định lượng đóng góp của văn hóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này khiến tôi nghĩ nhiều hơn về hợp tác Nam - Nam trong văn hóa, để chúng ta có thể tận dụng lợi thế tương đồng của các nước đang phát triển trong lĩnh vực quan trọng này. Nếu có được những chia sẻ như vậy, những ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt của đất nước như điện ảnh, âm nhạc, thời trang... mới có thêm cơ hội phát triển.

- Với các chia sẻ tại phiên thảo luận cũng như những khuyến nghị đưa ra trong Tuyên bố Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần thứ 9, ông kỳ vọng gì về phát triển văn hóa và thúc đẩy tôn trọng văn hóa trong thời gian tới?

- Tôi đánh giá rất cao Tuyên bố của Hội nghị lần này; đây là lần đầu tiên Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu có một tuyên bố chung; trên cơ sở trao đổi, thảo luận, Hội nghị đã đưa ra nhiều khuyến nghị hết sức thiết thực và phù hợp.

Riêng đối với văn hóa, 6 khuyến nghị đã bao quát được các mối quan tâm và những thảo luận tạo Hội nghị. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, bằng những nhận thức chung sâu sắc và vị trí quan trọng của các nghị sĩ trẻ toàn cầu, các quốc gia sẽ hình thành các khuôn khổ pháp lý và hành động cụ thể hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa. Trên cơ sở đó, văn hóa và đa dạng văn hóa sẽ được quan tâm hơn nữa, trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển của các quốc gia, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.

- Xin cảm ơn ông!

Văn hóa - Thể thao

- Vietravel Airlines đã đưa hành khách trở về một thời kỳ hoàng kim của lụa tơ tằm miền Nam qua màn trình diễn áo dài lãnh Mỹ A. Ảnh: VT
Văn hóa - Thể thao

Vietravel Airlines trình diễn áo dài lãnh Mỹ A

Là hãng hàng không của sự trải nghiệm văn hóa bản địa, Vietravel Airlines đã đưa hành khách trở về một thời kỳ hoàng kim của lụa tơ tằm miền Nam qua màn trình diễn áo dài lãnh Mỹ A. Từng đường kim mũi chỉ, nghệ thuật đính kết tạo hình tinh xảo trên nền tà áo dài truyền thống được thực hiện bằng lãnh Mỹ A như một lời kể về những bàn tay khéo léo của người thợ thủ công và những giá trị văn hóa sâu sắc được gìn giữ vượt thời gian.

30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan
Văn hóa - Thể thao

30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ra đời bộ truyện “Thám tử lừng danh Conan”, lần đầu tiên, độc giả tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc được trải nghiệm trọn vẹn những khoảnh khắc đáng nhớ trong triển lãm “30 năm đi cùng ký ức - Thám tử lừng danh Conan”.

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau có quy mô hơn 20.000 ha.
Văn hóa - Thể thao

Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau hài hòa và khác biệt

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội đồng thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô 20.100ha, mang tính giá trị văn hóa, lịch sử, thiêng liêng của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Đặc sắc trình diễn thời trang thổ cẩm dưới bóng cây long não di sản trăm tuổi ở Buôn Ma Thuột
Địa phương

Đặc sắc trình diễn thời trang thổ cẩm dưới bóng cây long não di sản trăm tuổi ở Buôn Ma Thuột

"Vũ điệu Ban Mê" - chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống do UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách. Đây là một hoạt động hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk gắn với 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển; 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.

Toàn cảnh tọa đàm khoa học về nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Binh Lục sáng 18.10
Văn hóa - Thể thao

Vũ Bình Lục - người giải mã nhiều tác giả, tác phẩm văn học trung đại

Tại tọa đàm “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại” do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức sáng 19.10, các đại biểu cho rằng, Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng khi kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam.

Giới thiệu "tinh hoa cổ vật Xứ Đông"
Văn hóa - Thể thao

Giới thiệu "tinh hoa cổ vật Xứ Đông"

Ngày 19.10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương phối hợp khai mạc trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông - Hải Dương lần thứ I” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật quốc gia.