Tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo
Từ năm 2010 - 2020, tỉnh đã dành trên 182 tỷ đồng thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức trên 2,2 nghìn lớp đào tạo nghề cho trên 65,5 nghìn lao động nông thôn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đổi mới theo yêu cầu của thị trường sử dụng lao động và quy hoạch chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ứng dụng thành công kiến thức, kỹ năng vào thực tế sản xuất, chăn nuôi và vươn lên làm giàu; những người học nghề phi nông nghiệp cũng chuyển đổi việc làm thành công…
Là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, Xuân Lộc là địa phương thực hiện tốt hoạt động đào tạo nghề nông thôn. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Xuân Lộc cho biết, từ năm 2010 - 2020, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư (Khóa XI) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện đã mở được 323 lớp dạy nghề ngắn hạn, đào tạo cho hơn 9.000 người với tỷ lệ hoàn thành lớp học đạt trên 99%. Sau khi tốt nghiệp nghề, có trên 85% lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm mới. Nhiều mô hình kinh tế áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập giúp cho gia đình học viên thoát nghèo.
Tại Kế hoạch số 17/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 6 - 7%/năm. Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Thu hút được trên 20.000 lao động thường xuyên trong các hoạt động ngành nghề nông thôn. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng ngành nghề nông thôn đạt trên 30.000 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn đạt 85% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở khu vực nông thôn đạt 35%. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng trên 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.
Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Đào tạo nâng cao tay nghề; bổ sung các kiến thức về khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, công nghệ thông tin, thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm cho người lao động. Ưu tiên đào tạo lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung, cụm công nghiệp.
Mặt khác, xây dựng mô hình liên kết đào tạo giữa các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất giữa các vùng miền trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển đổi một bộ phận lao động nông nghiệp sang các hoạt động ngành nghề nông thôn. Nâng cao vai trò các hiệp hội ngành nghề nông thôn bằng cách phát huy vai trò các hiệp hội nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chức năng trong đàm phán, mở cửa thị trường; giải quyết và tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế.
Để hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đi vào thực chất, đạt được nhiều thành quả, Đồng Nai đã thực hiện hàng loạt biện pháp như: đổi mới hoạt động dạy nghề, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề; điều tra, khảo sát các hộ dân có đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề; điều chỉnh chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của thị trường sử dụng lao động; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng chương trình theo hướng mở, thiết kế gọn nhẹ, phù hợp thực tiễn, sát với yêu cầu, nguyện vọng của người học và thị trường lao động, gắn với quy hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Cần sự chung tay, vào cuộc của các ban, ngành
UBND tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đứng đầu là cấp ủy. Vì vậy, thời gian tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải theo hướng đa ngành, đa nghề, có sự tiếp cận của khoa học - công nghệ mới nhất; có sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng như chính quyền các địa phương. Trong quá trình đào tạo nghề cần có sự giao lưu, trao đổi giữa các địa phương, các vùng; có sự kết hợp với các nhà khoa học, các trường đại học chuyên ngành trong công tác đào tạo nghề...
Sở NN - PTNT tỉnh cho biết, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê Đồng Nai, các địa phương tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ chức điều tra thống kê số lượng, tình hình phát triển của các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh 5 năm/lần. Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người dân, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, hợp tác xã là trung gian giữa doanh nghiệp và người dân.
Sở NN - PTNT cũng tích cực phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm nghề nghiệp cho các nghệ nhân, thợ giỏi để truyền nghề trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường niên để quảng bá, xúc tiến thương mại và tôn vinh các thợ giỏi, thợ tay nghề cao.