Cần rút kinh nghiệm công tác dự báo, lập dự toán
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng động doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược “phòng, chống dịch Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc.
Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) ấn tượng với việc chúng ta đã cân đối, đáp ứng đủ các nguồn lực để thực hiện cả phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. “Trong lúc khó khăn, nếu không có nguồn lực sẽ không giải quyết được, mà như vậy sẽ gây hiệu ứng tâm lý và hiệu ứng với điều hành. Nhưng thực tế chúng ta vẫn bảo đảm các hàng hóa thiết yếu cho người dân, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng 1,84%, thấp hơn nhiều so với con số Chính phủ với Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, cũng như là mức tăng giá tiêu dùng thấp nhất từ năm 2016 đến nay”, đại biểu Phạm Đình Toản nói.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Đình Toản đề nghị, cần rút kinh nghiệm công tác thống kê, dự báo, vì thu ngân sách Nhà nước trong năm 2021 thực tế có sự chênh lệch khá lớn với số liệu được Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai. “Số lệch quá lớn vừa là thành tích, nhưng cũng vừa phải rút kinh nghiệm, vì số liệu không chính xác sẽ khó cho điều hành, cân đối các nguồn lực để phát triển.
Nghiên cứu thấu đáo về định giá đất trong thực hiện cổ phần hóa
Đánh giá về những tháng đầu năm 2022, các ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), Chamale’a Thị Thủy (Ninh Thuận), Nguyễn Thị Thu Hà (Ninh Bình)... đều khẳng định, trong những tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có nhiều tín hiệu tích cực khi GDP quý I ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại, xuất khẩu tăng 14,6%, nhập khẩu tăng 15,7%. Đại biểu Trần Đình Gia nhận định, điều này thể hiện sự nhạy bén của chúng ta khi có thể đồng hành với quá trình phục hồi của kinh tế thế giới, cũng như tận dụng sự đứt gãy của chuỗi phân phối trên thế giới để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm 2022, các đại biểu Quốc hội nhận định “còn nhiều khó khăn”, trong khi chúng ta cũng phải đặt được mục tiêu tăng trưởng cao để có thể phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Do vậy, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nhiệm vụ được Ủy ban Kinh tế đưa ra, đặc biệt lưu ý cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội.
Trong đó, ĐBQH Phạm Đình Toản chỉ rõ, cần tiếp tục chú ý nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập kế hoạch, vì trong bối cảnh đầy biến động, thay đổi nhanh chóng hiện nay thì công tác này có chất lượng cao sẽ giúp chúng ta phản ứng linh hoạt, đồng thời tiết kiệm nguồn lực, chi phí thực hiện. “Đơn giản như nếu công tác phòng, chống dịch không được dự báo tốt thì có thể xảy ra tình trạng thiếu nguồn lực hoặc dư thừa, lãng phí”, đại biểu Phạm Đình Toản nêu ví dụ.
Cũng liên quan đến công tác này, ĐBQH Phạm Đình Toản nhấn mạnh, trong năm 2022 nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư, lập các dự án, sử dụng kinh phí thường xuyên. Hơn nữa, nhấn mạnh “mấy hôm nữa, Quốc hôi sẽ nghe trình bày Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đến nay”, ĐBQH Phạm Đình Toản lưu ý, Chính phủ cần lắng nghe kiến nghị của Đoàn giám sát và đại biểu Quốc hội về công tác này. Bởi, nếu không đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng của các quy hoạch, thì đây có thể là điểm nghẽn tăng trưởng.
ĐBQH Phạm Đình Toản cũng đề nghị, các bộ, ngành cần chú ý đề xuất, thực hiện các giải pháp để tránh làm mất mát nguồn lực đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là nghiên cứu thấu đáo về việc xác định giá trị đất trong quá trình thực hiện công tác này. Chỉ rõ "hiện có hai quan điểm phải tính giá đất vào quá trình cổ phấn hóa hoặc không tính", song, ĐBQH Phạm Đình Toản phân tích, nếu tính giá đất theo bảng giá được HĐND tỉnh, thành phố ban hành hiện nay thì thấp hơn giá thị trường rất nhiều, nhưng nếu theo giá thị trường thì sẽ khó thực hiện đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. "Chính phủ phải nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, để quyết liệt hơn trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước" là đề nghị của ĐBQH Phạm Đình Toản.
ĐBQH Phạm Đình Toản cũng lưu ý, thị trường vốn trong thời gian qua đã được phát huy tốt, bên cạnh hệ thống vốn ngắn hạn qua hệ thống ngân sách. Tuy nhiên, vừa qua, chúng ta phát hiện việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, chứng thực và xử lý các đơn vị này. Việc này đã được phát hiện và xử lý nên cần thông báo rõ để dư luận hiểu chính xác đây là những hiện tượng cá biệt, không có ảnh hưởng đến thị trường vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.