Trong khuôn khổ chuyến làm việc, Gs Dani Rodrik có buổi nói chuyện tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại đây, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đặt vấn đề với 2 kịch bản phát triển kinh tế đất nước được nhắc đến nhiều, đó là: công nghiệp hóa hay phát triển dựa nhiều hơn nữa vào lợi thế nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đang lựa chọn kịch bản thứ nhất là phát triển công nghiệp hóa, với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, đến nay là 2014, công nghiệp vẫn đang phát triển vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, nông nghiệp luôn trở thành phao cứu sinh cho đất nước khi kinh tế gặp khủng hoảng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có đóng góp của ngành nông nghiệp, thì tình hình KT - XH của Việt Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong mấy năm qua. Trong bối cảnh này, Việt Nam có nên tiếp tục theo đuổi con đường phát triển công nghiệp hay lựa chọn kịch bản thứ hai – dựa vào nông nghiệp cùng với việc phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao để tăng năng suất cao hơn…
Cho dù diễn biến gì xảy ra thì số lượng người làm việc trong nông nghiệp sẽ bị giảm, kể cả khi có chiến lược tốt nhất cho lĩnh vực nông nghiệp, Gs Dani Rodrik chia sẻ. Vì vậy, Việt Nam có rất ít lựa chọn đối với 2 chiến lược này. Theo ông Rodrik, Việt Nam cần tìm cơ hội việc làm có năng suất cao cho những người dịch chuyển ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, cần tránh cách làm sai của những nước đã không làm tốt việc này, đó là giảm số người lao động khỏi nông nghiệp nông thôn, nhưng lại tăng nhanh số người hoạt động trong các lĩnh vực phi chính thức với năng suất thấp, như: bán lẻ, dịch vụ chất lượng thấp. Đây chính là nguyên nhân làm giảm năng suất, giảm những điều kiện làm việc cơ bản của người lao động. Do vậy, Việt Nam phải tạo ra hoạt động năng suất cao trong lĩnh vực công nghiệp hoặc dịch vụ, tức là phải mở rộng phát triển các lĩnh vực cho năng suất cao. Đó là xu hướng phát triển.
Theo Gs Dani Rodrik, nếu chỉ phát triển nông nghiệp là chưa đủ, vì xu hướng lao động chuyển dịch sang khu vực có năng suất cao hơn. Do đó, Việt Nam cần quan tâm phát triển nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao hơn, với số lượng lao động ít, nhưng tạo ra năng suất cao hơn. Ông Rodrik cũng cho biết, công nghiệp hóa có dấu hiệu giảm tốc ở Việt Nam trong thời gian gần đây nguyên nhân chủ yếu không liên quan đến nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà là do thị trường thế giới giảm sút. Đây là một xu hướng toàn cầu.