Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường và Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về hành chính Nhà nước, Chủ nhiệm đề tài Đỗ Ngọc Tú đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường nhấn mạnh tính cấp thiết và kịp thời của Đề tài khoa học này nhằm phát huy bản chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với chủ trương "lá lành đùm lá rách". Trọng tâm của Hội thảo sẽ làm rõ quan điểm, giải pháp và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về từ thiện nhân đạo ở nước ta.
Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, hoạt động từ thiện đã và đang có vai trò quan trọng trong xã hội, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong khi nguồn lực của nhà nước còn eo hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu chung của tất cả đối tượng. Nhưng, hoạt động từ thiện vẫn còn mang nặng tính tự phát nên đã từng có hiện tượng bị biến báo, mục đích, tổ chức và hình thức từ thiện còn nhỏ lẻ, có trường hợp bị thay đổi so với mục tiêu ban đầu, có nơi mang nặng tính hình thức, phô trương, chưa đi vào chiều sâu.
Xét trong hệ thống pháp luật hiện hành, quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nước ta đang được quy định rải rác trong nhiều văn bản luật, văn bản dưới luật, các quy định còn chưa rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa có luật chuyên ngành cho từ thiện nhân đạo ở nước ta. Mặt khác, qua đại dịch Covid - 19 cho thấy, khi nạn dịch xảy ra không chỉ trên phạm vi một quốc gia mà còn mang tầm quốc tế thì càng cần xem xét có tổ chức điều hành hoạt động từ thiện, cứu trợ. Điều này đặt ra yêu cầu cần có cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động từ thiện, cứu trợ, tiến tới xây dựng một luật về từ thiện nhằm công khai, minh bạch và lành mạnh hóa hoạt động này.
Các đại biểu cũng cho rằng, đề tài xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam rất bao quát, bồi đắp, làm sáng tỏ hơn những vấn đề, khía cạnh liên quan đến cơ sở lý luận hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo. Trong đó, xây dựng khái niệm, chỉ ra đặc điểm, những nội dung cơ bản và vai trò của pháp luật về từ thiện nhân đạo. Xây dựng hệ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo. Đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về từ thiện nhân đạo để chỉ ra, phân tích những ưu điểm, hạn chế, bất cập và nguyên nhân. Xây dựng, đề xuất quan điểm, kiến nghị giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo.
Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, đề tài khoa học nên đề xuất quan điểm, kiến nghị giải pháp theo hướng bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, tránh chồng chéo với các luật có liên quan đã có quy định về hoạt động từ thiện nhân đạo. Pháp luật về từ thiện nhân đạo phải phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực từ thiện nhân đạo theo thông lệ quốc tế về pháp luật từ thiện nhân đạo của các nước trên thế giới. Thực tế, thời gian qua đã có trường hợp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện nhân đạo, tuy nhiên, pháp luật có cần xem xét, trường hợp nào được phép đứng ra kêu gọi từ thiện nhân đạo, phải đáp ứng những điều kiện nào? Hay làm thế nào để bảo đảm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực sự có khả năng giải ngân số tiền quyên góp từ thiện nhân đạo? Đồng thời, số tiền này được sử dụng kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng…