Ban đầu, vở tuồng “Nghêu - Sò - Ốc - Hến” mang tính chất là tuồng dân gian, tình tiết không cố định, chỉ lưu hành trong dân gian vùng Quảng Nam. Khoảng cuối năm 1959, nhà nghiên cứu sân khấu dân gian Việt Nam Hoàng Châu Ký, bấy giờ là Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đồng thời là thành viên Ban Nghiên cứu nghệ thuật sân khấu, đã cho dựng lại vở tuồng và công diễn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Từ đó vở tuồng làm sôi nổi dư luận và được chuyển thể qua nhiều thể loại trên khắp cả nước.
Vở tuồng xoay quanh bốn nhân vật trọng điểm, lấy tên là Nghêu, Sò, Ốc và Hến đã mang đậm tính châm biếm và chế giễu. Thầy Nghêu lợi dụng tín ngưỡng làm những điều vô lương tâm; Ốc từ cuộc sống nghèo hèn trở thành lưu manh, trộm cướp; Trùm Sò điển hình của tầng lớp địa chủ cường hào, chuyên tìm cách bóc lột sức lao động của người nông dân; Thị Hến - người phụ nữ thân phận mỏng manh, bị xã hội phong kiến chèn ép cũng trở thành buôn gian, bán lậu...
Vở diễn chứa nhiều yếu tố hài kịch, châm biếm, hứa hẹn đem đến cho khán giả những phút giây thư giãn cùng gia đình và bạn bè; đồng thời chuyển tải giá trị tư tưởng mang đậm tính thời sự cho đến hôm nay để công chúng suy ngẫm.