Sáng 1.7, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng Đầu tư Tài chính tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Tham dự tọa đàm có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh; TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Trần Văn; cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính.
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó đã xác định tài chính toàn diện là mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số Trần Văn, từ yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm tới bảo đảm công bằng trong phân bổ, tiếp cận, sử dụng các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tài chính. Do đó, việc thiết kế các chính sách, giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu phát triển đồng đều giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội là rất quan trọng.
Hiện nay, các doanh nghiệp fintech hàng đầu của Việt Nam như Momo, ZaloPay, Finviet… đang tích cực số hóa các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động cho các tầng lớp dân cư, hộ kinh doanh.
Với hàng chục triệu người dùng, các nền tảng fintech này đã góp phần đang kể vào việc thực hiện chiến lược thông qua đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở hợp tác với các tổ chức tín dụng nhờ các giải pháp công nghệ thanh toán mới dễ sử dụng, có chi phí thấp, thuận tiện và an toàn, phù hợp với các giao dịch thanh toán cá nhân.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, hành lang pháp lý để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính chậm được rà soát, sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các doanh nghiệp fintech vốn đang hoạt động theo giấy phép thử nghiệm với nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến một số chỉ tiêu đến năm 2025 của chiến lược khó có thể thực hiện được.
Việc thiếu vắng các quy định của pháp luật do chậm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung đang tạo ra khá nhiều rủi ro pháp lý, nhất là khi tiến bộ của khoa học công nghệ diễn ra với cấp số nhân, tạo ra vô vàn cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ.
Để các doanh nghiệp công nghệ tài chính có thể tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến thực hiện thành công chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng về mặt thể chế, sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp fintech, các tổ chức tín dụng, các hiệp hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân.
Trong đó, quan trọng nhất là sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty fintech và các tổ chức tín dụng, tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính cho các đối tượng mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.