Bức tranh tài chính “ảm đạm” của các công ty cho vay tiêu dùng
Trong những năm qua, lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cộng đồng và xã hội, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của nền kinh tế cũng như góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen hoành hành tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho vay tiêu dùng, bên cạnh các công ty tài chính số (fintech). Thị phần hiện tập trung vào 4 công ty lớn là FE Credit, Home Credit, MCredit và HD Saison.
Mặc dù được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển tại Việt Nam nhưng tài chính tiêu dùng lại đang gặp nhiều khó khăn và cản trở để có thể tiếp tục phát triển một cách lành mạnh và hiệu quả, bổ trợ cho hoạt động cho vay của các ngân hàng khi đáp ứng được các khoản vay dưới chuẩn của một bộ phận đông đảo người đi vay phục vụ cho mục đích tiêu dùng, qua đó kích thích tăng trưởng tiêu dùng và kinh tế.
Nhìn vào thực tế trong 6 tháng năm 2023 có thể thấy bức tranh hết sức “ảm đảm” của các công ty tài chính. Đơn cử như FE Credit, từng nhiều năm chiếm lĩnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam với thị phần lên tới 50%, nhưng “ông lớn” tài chính tiêu dùng này hiện đang rơi vào tình trạng khó khăn và bế tắc khi liên tục báo lỗ trong những quý gần đây.
Từ đỉnh lợi nhuận trước thuế cán mốc gần 4.5 nghìn tỷ đồng trong năm 2019, FE Credit liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong những quý gần đây. Kết thúc nửa đầu năm 2023, công ty này thua lỗ gần 3.000 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi của nền kinh tế chậm hơn dự kiến, gây ảnh hưởng tới năng lực tài chính của nhiều khách hàng hiện hữu của FE Credit, dẫn tới vấn đề nợ xấu tăng mạnh.
Đối với Home Credit là công ty tài chính có thị phần lớn thứ hai hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty đã rơi về mức 211 tỷ đồng. Trong khi năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Home Credit đang ở mức 1.189 tỷ. Hay như Mcredit cũng không ngoại lệ, ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty này tăng 22% so với cùng kỳ và đạt 3.787 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi trước thuế chỉ đạt 410 tỷ, giảm 32%.
Công ty này lên kế hoạch lợi nhuận 1.300 tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, nửa đầu năm, MCredit mới chỉ hoàn thành được 31,5% kế hoạch cả năm.
Ngoài ra, một công ty tài chính tiêu dùng khác cũng lỗ trong nửa đầu năm 2023 Shinhan Finance. Công ty này ghi nhận lỗ sau thuế 246 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, cùng kỳ năm 2022, Shinhan Finance có lãi sau thuế 92 tỷ đồng (giảm mạnh so với cùng kỳ).
Điêu đứng vì “bùng nợ” có tổ chức
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đen, đồng thời kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ thị trường tài chính tiêu dùng.
Theo VNBA, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép gần đây gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu hồi nợ. Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường.
Dù vậy, việc nhiều công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép cùng bị cơ quan chức năng kiểm tra đã ảnh hưởng tới hoạt động thu nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao.
Đáng chú ý, một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần. Tỉ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.
Bên cạnh đó, sự phát triển tất yếu của công nghệ cũng kéo theo những biến tướng về nhận thức và hành vi của người dùng trên không gian mạng. Một trong những tác động tiêu cực đó đối với ngành tài chính tiêu dùng chính là sự nở rộ của các hội nhóm dạy “bùng nợ” trên mạng xã hội.
Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tràn lan các hội nhóm chuyên dạy cách vay tiền rồi trốn nợ như: “chuyên tư vấn bùng nợ”, “hội bùng app vay tiền online”, “bùng app cho vay tín dụng đen”, “bùng app và cách đối phó app”…
Ở các hội nhóm này, nhiều người thường xuyên liệt kê các app có thể vay tiền để kêu gọi mọi người tham gia đồng thời cổ súy người đi vay chây lì, trốn tránh trả nợ khiến suy giảm nhận thức và trách nhiệm của người vay khi tham gia thị trường.
Trên nhóm “bùng app và cách đối phó app” trên mạng xã hội Facebook, có rất nhiều bài viết chia sẻ về cách để vay nợ rồi “bùng”. Cụ thể, các tài khoản sử dụng nick ảo để đăng lên nhóm các chiêu trò chuyên dùng để đối phó như: khi đăng ký vay tiền trên app không được cho phép ứng dụng theo dõi, truy cập vào danh bạ, hình ảnh. tắt máy đổi sang số điện thoại khác để app vay không gọi được, rời khởi địa phương sinh sống để không bị tới nhà đòi nợ, thông báo với người thân bạn bè không cung cấp thông tin của bạn…
Mặc dù tình trạng “bùng”, trốn nợ đang diễn ra phổ biến nhưng chế tài với các khách hàng kiểu này chưa cao trong khi việc khởi kiện rất khó thực hiện với các khoản vay giá trị thấp. Điều này đang đẩy các công ty tài chính vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn, hạn chế rủi ro. Thêm vào đó, việc trả nợ không đúng hạn của khách hàng đã buộc công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý.
Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng để bù lại rủi ro, tác động trực tiếp đến người đi vay.
Ghi nhận thực tế, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để lập ra nhiều hội nhóm với mục đích chia sẻ cách vay tiền của công ty tài chính tiêu dùng rồi trốn nợ, bùng nợ. Hiện tượng các hội nhóm “bùng” app vay tiền mọc lên tràn lan trên mạng xã hội là một thực trạng đáng báo động của xã hội.
Nguy hiểm hơn là đã và đang có rất nhiều người dân tham gia các hội nhóm này để tìm hiểu, dò hỏi kinh nghiệm “bùng” nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cách bùng tiền qua app” sẽ cho một loạt những hội nhóm kín, mở với hàng chục nghìn thành viên hướng dẫn cách “bùng” tiền vay qua ứng dụng.
Từ thực trạng nêu trên, VNBA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế quản lý riêng đặc thù với mảng tài chính tiêu dùng như quy định tỉ lệ nợ xấu chuẩn cho công ty tài chính ở mức cao hơn để phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, cho vay không có tài sản bảo đảm. Nghiên cứu, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng; có chế tài xử lý phạt người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.