Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là "đô thị loại đặc biệt" là "trung tâm chính trị - hành chính quốc gia" và là "trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước". Một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô. Tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hà Nội vào tháng 12.2024, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua 6 nghị quyết để triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 gồm: Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; quy định thực hiện vùng phát thải thấp; mức tiền phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; các quy định về hoạt động của Khu Công nghệ cao Hoà Lạc…
Trong đó, từ năm 2025, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã có Quy định việc quản lý, sử dụng tài sản công của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố quản lý trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (thực hiện Điểm d và đ Khoản 2 và Khoản 4 Điều 24 Luật Thủ đô) và Nghị quyết Quy định về tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả của người sử dụng đất, tiền sử dụng hạ tầng và tiền xử lý nước thải tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Nghị quyết quy định các trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Cụ thể, đơn vị sự nghiệp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để cung cấp các dịch vụ cho các hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm và trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Một trong những nội dung có hiệu lực từ 1.1.2025 trong triển khai Luật Thủ đô là Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp.
Theo đó, từ năm 2025 đến năm 2030: Thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp; từ năm 2031 trở đi: các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết này phải thực hiện vùng phát thải thấp. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.
Các biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp gồm: Cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp; cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực; đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp; đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải; đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp; các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.
Cùng với đó, Luật Thủ đô năm 2024 còn đẩy mạnh tính phân cấp, ủy quyền, giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền, tự chủ và trách nhiệm trong quá trình triển khai luật vào đời sống, cùng nhiều giải pháp, chính sách đặc thù, vượt trội. Cụ thể, HĐND thành phố được bầu 125 đại biểu HĐND; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu HĐND; Thường trực HĐND thành phố hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch và các Ủy viên; được thành lập không quá 6 ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể (tăng 2 ban so với quy định pháp luật hiện hành). Đích đến không chỉ là nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong bối cảnh không tổ chức HĐND phường, mà còn giúp phát huy các cơ chế dân chủ trực tiếp bảo đảm tốt hơn nữa quyền và lợi ích của cử tri nói riêng, quyền làm chủ của người dân nói chung.
Đối với UBND thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2024 phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền, Luật bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố. Với sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ quy định tại Khoản 5, Điều 9, Điều 14, Luật trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những nội dung liên quan tới những điều kiện đặc thù của Thủ đô. Khi có cơ chế đặc thù, Hà Nội có thể nắm thế chủ động về chủ trương đầu tư, các vấn đề liên quan đến vốn, thi công, sớm xây dựng hàng loạt cây cầu huyết mạch qua sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy...
Luật cũng mở ra kỷ nguyên mới trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội theo hướng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Trung ương tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.