Đến từng ngõ, gõ từng nhà
Hiện nay, Bắc Kạn là địa phương hiếm hoi trong toàn quốc thực hiện chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành. Chương trình được triển khai trước tại 8 xã, phường thí điểm chuyển đổi số.
Trong đó, xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn) có 21 cá nhân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điện thoại thông minh đã được nhận hỗ trợ bằng điện thoại thông minh. Chương trình nhằm giúp người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin, hướng dẫn từ chính quyền, góp phần giúp xã giảm nghèo thông tin và tăng tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn.
Xã Nghĩa Tá cũng tích cực vận động người dân hòa mạng các dịch vụ internet để đáp ứng nhu cầu lao động, học tập, sản xuất hàng ngày. Đến nay, tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động 1.148/1.258 người trưởng thành, đạt 91%; số lượng hộ gia đình có đường truyền internet băng thông rộng 220/428 hộ, đạt 51%.
Tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cấp xã ở toàn bộ 108 xã và tổ công nghệ số cấp thôn ở tất cả 1.292 thôn, bản, tổ dân phố. Các tổ thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích, dịch vụ công qua các thiết bị thông minh.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng bổ sung lắp đặt thêm các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại những thôn chưa có loa hoặc thay thế cụm loa FM có dây cũ bị hỏng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng tại 20 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tỉnh cũng dành kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở; đưa các loại hình truyền thông phù hợp tới từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giúp người dân có thêm kiến thức sản xuất
Nhờ những chính sách kịp thời, rất nhiều người dân tại địa phương đã nắm bắt được phương thức sản xuất tiên tiến, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Đơn cử như gia đình ông Nông Đức Diện ở xã Sỹ Bình (Bạch Thông) trước đây chủ yếu canh tác nông nghiệp theo kiểu truyền thống, thu nhập bấp bênh.
Tuy nhiên, nhờ được tiếp cận thông tin về hiệu quả kinh tế của cây nguyên liệu thuốc lá qua các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chức năng; ông đã quyết định trồng 3.000m2 cây nguyên liệu thuốc lá, đem lại thu nhập hơn 60 triệu đồng trong vụ mùa trước. Nhờ đó, gia đình ông không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Sự thay đổi này không chỉ đến từ việc tiếp cận thông tin về sản xuất nông nghiệp mà còn từ việc người dân được trang bị kiến thức về các mô hình làm kinh tế hiệu quả và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm qua Internet. Việc phổ biến thông tin qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, các lớp tập huấn, cùng các dịch vụ viễn thông, internet đã giúp người dân Bắc Kạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm và mở ra những cơ hội phát triển mới.
Hay như gia đình ông Ma Văn Linh ở thôn Nà Tông, xã Nghĩa Tá được tặng điện thoại thông minh thuộc Chương trình Hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành của 8 xã, phường thí điểm thực hiện chuyển đối số trên địa bàn tỉnh.
Là hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên việc được hỗ trợ điện thoại thông minh đã khiến ông Linh rất phấn khởi. Ông chia sẻ, nhờ có điện thoại, ông có thể xem những nội dung liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để học hỏi, áp dụng vào sản xuất tại gia đình.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 73 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng để người dân các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa được hưởng các dịch vụ như chuyển phát thư, báo chí, bưu phẩm. Các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ người dân đọc sách, báo, tạp chí điện tử; cung cấp dịch vụ truy cập internet băng rộng để người dân khai thác những thông tin thiết yếu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa tất cả hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% số cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính. Tỷ lệ người dùng internet cáp quang đạt trên 80%, cao hơn so mức bình quân của cả nước.
Thời gian tới, để giảm nghèo về thông tin cho người dân, Bắc Kạn đẩy mạnh hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, thông tin, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.