Khai thác hiệu quả các nguồn thu
Tham gia ý kiến thảo luận tại các tổ, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội trên đà phục hồi và phát triển đã có tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn với tổng thu ước đạt trên 15.223,4 tỷ đồng (bằng 66,4% dự toán HĐND tỉnh giao cả năm). Đáng chú ý, trong cơ cấu thu nội địa, nếu không tính tiền sử dụng đất, kết quả thu đã vượt dự toán cả năm. Trong 15 khoảnthu sắcthuếnộiđịa,có10/15sắcthuếthu tăng và đạt từ 50% dự toán trở lên…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá, một số khoản thu đạt tiến độ thấp như: thu thuế bảo vệ môi trường giảm do thực hiện theo Nghị quyết số 30/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1.1.2023; thị trường bất động sản “hạ nhiệt” cũng tác động làm giảm số thu tiền sử dụng đất. Đồng thời, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ vẫn duy trì ở mức cao, chi phí nguyên vật liệu tăng làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đơn hàng bị cắt giảm, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… dẫn tới tác động làm giảm số nộp NSNN ở một số lĩnh vực.
Theo nhận định của một số đại biểu, những tháng cuối năm, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được áp dụng, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển... sẽ tác động tích cực đến số thu NSNN. Đồng thời, một số chính sách thuế mới về giảm thuế giá trị gia tăng và giảm lệ phí trước bạ được áp dụng từ ngày 1.7.2023 - 31.12.2023 cũng sẽ tác động làm giảm số thu NSNN. Do đó, để hoàn thành toàn diện dự toán thu NSNN cả năm, tỉnh cần chủ động xây dựng và thực hiện phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống, phù hợp với tình hình thực tế.
Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khai thác tốt các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN; tăng cường thu ngân sách đối với những sắc thuế chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch dự toán, tỷ lệ thu còn đạt thấp và tích cực đôn đốc thu nộp ngân sách đối với những khoản nợ thuế lớn. Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc các nguồn thu trên địa bàn, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả…
Bên cạnh đó, quyết liệt trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; đẩy mạnh kiểm tra thuế tại địa bàn, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi cân đối ngân sách, bảo đảm kinh phí phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thực hiện dự toán chi ngân sách theo kế hoạch và tiết kiệm chi ngân sách theo các hướng dẫn tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm, nhìn chung tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đã đạt kết quả khá so với bình quân chung cả nước và so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, kết quả đạt được vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh đã giải ngân được 3.839,5 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 37% kế hoạch vốn đã phân bổ cho các dự án.
Các cấp, ngành cần quan tâm tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt quy định trong quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định lợi ích của quốc gia lên trên hết. Đồng thời, phải làm tốt công tác quản lý, xác định nguồn gốc đất đai rõ ràng, đề xuất cơ chế hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng để tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các nghị quyết HĐND tỉnh tại các kỳ họp trước và kỳ họp này, cùng với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thành công nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên TRẦN QUỐC VĂN
Theo Văn bản số 4495 ngày 14.6.2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023; Thông báo số 1166 ngày 12.6.2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, tỉnh Hưng Yên phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm ít nhất đạt 95% kế hoạch vốn năm 2023. Do đó, theo các đại biểu, cần tập trung vào những giải pháp quyết liệt để chỉ đạo giải ngân; chú trọng tháo gỡ vướng mắc những nguồn vốn, công trình có tỷ lệ giải ngân thấp.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong triển khai các dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị dự án đến triển khai thực hiện, nhất là giải phóng mặt bằng, xử lý thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng… Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành địa phương và đơn vị triển khai dự án với nguyên tắc: khẩn trương, quyết tâm, quyết liệt, rút ngắn thời gian thi công bù cho thời gian bị chậm chễ trong chuẩn bị đầu tư; đẩy nhanh tiến độ gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án; bảo đảm an toàn và tuân thủ pháp luật. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai dự án lớn (Vành đai 4, Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, Đường nối hai đường cao tốc, đường Tân Phúc - Võng Phan…), nhóm A, nhóm B, các dự án chuyển tiếp, dự án có thể hoàn thành trong năm 2023…