Khởi động lập đề án
Là một trong những địa phương lấy ngành du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đang trong quá trình bàn thảo Đề án hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 gắn chặt với xây dựng hình ảnh Huế “Xanh - Sạch - Sáng”, “Thành phố Festival của Việt Nam”, “Thành phố xanh Quốc gia”. Các lĩnh vực trong đề án bao gồm hoạt động văn nghệ, nghệ thuật, lễ hội, Ca Huế, Đại Nội về đêm, sông Hương về đêm...; thương mại điện tử; nhiều sản phẩm Huế nổi tiếng, đặc sản đặc trưng, hàng lưu niệm, làng nghề, nghề truyền thống;...
Một tháng trước (14.1.2021), UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030. Đề án nghiên cứu tập trung vào các hoạt động thương mại và dịch vụ chính trong lĩnh vực văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch vào ban đêm; đồng thời, đề xuất các chính sách, mô hình tổ chức quản lý và điều hành đối với hoạt động kinh tế ban đêm.
Nhiều địa phương cũng dần thay đổi cách làm, chú trọng hơn vào phát triển không gian du lịch, không còn gói gọn trong chợ đêm hay nhà hàng đêm như trước. Để thu hút và giữ chân du khách, góp phần phục hồi ngành du lịch, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có những hành động thiết thực quan tâm hơn đến phát triển kinh tế ban đêm. Bước đầu, trong năm 2021, để làm đặc sắc thêm cho sản phẩm du lịch về đêm, thành phố sẽ tổ chức các loại hình du lịch khám phá Vườn quốc gia Phú Quốc, kết hợp cắm trại, các hoạt động thể thao ban đêm. Ngoài ra, khu phi thuế quan Phú Quốc tại xã Hàm Ninh với quy mô khoảng 101ha cũng là nơi hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế về đêm kết hợp mua sắm, giải trí.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm có thể đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Việt Nam đã có những khu phố tập trung nhiều khách nước ngoài và hàng quán ở đó đều mở cửa rất muộn như phố Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh), phố Tạ Hiện và các khu phố cổ ở Hà Nội… Mở cửa nền kinh tế ban đêm cũng sẽ giúp thu hút thêm một lượng du khách nhất định, ngoài ra còn là cách hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tổng Giám đốc Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, theo các nghiên cứu, nếu khách du lịch chi tiêu 1 đồng vào ban ngày thì có thể chi tiêu 3,4 đồng cho những hoạt động vui chơi giải trí ban đêm. Nếu có thể phát triển dựa trên những định hướng, chính sách của Nhà nước và huy động được nguồn lực thì kinh tế ban đêm sẽ phát huy tiềm năng lớn cũng như là đòn bẩy cho du lịch phát triển. Những ngành nghề kèm theo như dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí cũng sẽ được đẩy mạnh.
Quan điểm của Chính phủ là phát triển kinh tế ban đêm phải dựa trên cơ sở tôn trọng và hài hòa cả cung và cầu trên thị trường, không áp đặt tư duy chủ quan của cơ quan quản lý. Chính phủ cũng không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm một cách đại trà mà có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, cho phép một số thành phố, một số trung tâm du lịch lớn của cả nước có tính biểu tượng, theo không gian và thời gian riêng biệt, chủ động lựa chọn những dịch vụ mới và/hoặc có nhu cầu cao về ban đêm ở những địa bàn đông khách du lịch. Phải đầu tư bài bản trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển cẩn thận, đồng bộ, dài hạn, có lộ trình phát triển và nguồn lực thực thi phù hợp.
Hoàn thiện chính sách và khung pháp lý
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ rõ, về mặt xã hội, nếu không xây dựng được hệ thống phương thức quản lý phù hợp, kinh tế ban đêm có thể gây ra một số ảnh hưởng tới đời sống dân sinh cũng như các hành vi vi phạm pháp luật, ô nhiễm tiếng ồn… Bởi, hiện các địa phương chưa có khu vực riêng dành cho các hoạt động vui chơi giải trí về đêm, hầu hết các tuyến phố đi bộ hay hoạt động về đêm đều nằm cạnh khu dân cư. Bên cạnh đó, kinh tế ban đêm ở Việt Nam bước đầu mới chỉ thu hút được du khách nước ngoài, tiềm năng của khách nội địa thì vẫn đang bị bỏ ngỏ do chưa có những yếu tố mới lạ thu hút họ.
Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng theo các chuyên gia đây cũng là khoảng thời gian để các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm một cách kỹ lưỡng, vẹn toàn hơn. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế ban đêm là vấn đề mới nên các địa phương cũng như bộ, ban, ngành chưa có kinh nghiệm quản lý. Tư duy "không quản được thì cấm" của cơ quan quản lý với những mặt sau của kinh tế đêm cũng là một rào cản.
Để phát triển kinh tế ban đêm, ông Lực đề xuất trước hết phải xây dựng được hành lang pháp lý tổng thể, chặt chẽ, hợp lý và không nên quá cứng nhắc. Cần có những cơ chế “mềm” như ưu đãi về thuế phí, tiền điện nước… cho các cơ sở kinh doanh và cơ chế riêng cho thù lao của lực lượng quản lý kinh tế đêm. Bên cạnh đó, cần đầu tư về hệ thống giao thông đi lại, y tế,… phù hợp, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, tránh ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Nhà nước cũng cần quy định rõ ràng về những sản phẩm, dịch vụ được kinh doanh trong hình thái kinh tế ban đêm. Một số nước trên thế giới cho phép hoạt động lễ hội, tham quan du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán bar, thương mại và nghệ thuật. Theo ông Lực, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước như Singapore, Trung Quốc, Mỹ để xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với đặc điểm kinh tế của mình.