Nâng cao chất lượng chuẩn bị, phối hợp
Phiên họp thứ Mười ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến làm việc trong 1,5 ngày. Về các nội dung được thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết Kỳ họp thứ Ba, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư. Từ đầu năm đến nay, Quốc hội đã tổ chức 2 Kỳ họp gồm Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất và Kỳ họp thường kỳ thứ Ba với rất nhiều nội dung đã được xem xét, thông qua.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có đề án chính thức về kết quả của Kỳ họp thứ Ba trên cơ sở dự thảo báo cáo tổng kết của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp từ ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Từ đó, đánh giá các kết quả đạt được và những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong cả khâu chuẩn bị tổ chức Kỳ họp. Sau khi Kỳ họp kết thúc, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết, các luật nhanh nhất có thể. Chủ tịch Nước cũng đã có lệnh công bố các Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba. Trên những nội dung này sẽ đánh giá được những kết quả, vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, chỉ rõ các nguyên nhân khách quan cũng như nguyên nhân chủ quan và chỉ rõ những điểm mới, những nội dung mà Kỳ họp cần tiếp tục có đổi mới, nâng cao chất lượng.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư với khối lượng công việc rất lớn, do đó, cần nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, công tác phối hợp với Chính phủ trong việc phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan chủ trì thẩm tra để chúng ta có Kỳ họp thứ Tư được thực hiện đúng kế hoạch.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc kịp thời cho ý kiến và rút kinh nghiệm về Kỳ họp thứ Ba không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư tới đây mà còn còn để rút kinh nghiệm chung trong công tác hoàn thiện đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng của Kỳ họp Quốc hội. Đây là một trong những đề án trọng điểm trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội Khóa XIV và thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Dự kiến những nội dung quan trọng để sửa đổi, bổ sung về nội quy của Kỳ họp thì cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét và quyết định vào Kỳ họp thứ Tư, làm cơ sở để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng của Kỳ họp.
Xem xét dự thảo nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Ban Công tác đại biểu
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một trong những đề án quan trọng nhất của khóa này về triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng lần thứ XIII. Đề án này cũng đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, công phu. Tại phiên họp tháng 2.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến sau khi tổ chức nhiều cuộc làm việc. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã hoàn thành và lần này trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định để ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết hiện hành và các nội dung liên quan, trong đó làm rõ hai nội dung: Một là, phù hợp với triển khai nhiệm vụ trong công tác tham mưu về công tác cán bộ, về các vấn đề thi đua khen thưởng theo các quy định mới nhất của Đảng và Nhà nước; Hai là, Ban Công tác đại biểu với tư cách là cơ quan đầu mối cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát HĐND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 6.2022. Kể từ khi đưa thành hoạt động thường xuyên hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác dân nguyện đã ngày càng bài bản, chất lượng và các báo cáo ngày càng tốt hơn. Các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ địa phương cũng có trách nhiệm rõ hơn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát tiến độ xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông, đây cũng là một nội dung trong giám sát thường kỳ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tại Kỳ họp bất thường tổ chức tháng 1.2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 44 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa từ hai vụ trở lên theo ngưỡng Chính phủ trình Quốc hội là thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các báo cáo nghiên cứu tính khả thi thì lúc đó chưa có điều kiện, cơ sở xác định được số lượng diện tích chính xác. Do đó, Nghị quyết của Quốc hội đã giao Thủ tướng xem xét quyết định nội dung quan trọng này để bảo đảm tính kịp thời trong quá trình triển khai đầu tư dự án. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến và quyết định nội dung quan trọng này theo ủy quyền của Quốc hội tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11.01.2022 của Quốc hội Khóa XV là một trong những tiền đề, căn cứ quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có thể đánh giá quá trình chuẩn bị dự án chiến lược này. Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương liên quan để tiến hành nghiên cứu chuẩn bị, tổ chức xây dựng báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.