Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường.
Cùng dự còn có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh; Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền; lãnh đạo một số bộ, ngành và vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch; việc thực hiện các giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức
Quảng Nam là tỉnh thuộc Vùng duyên hải miền Trung, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng kiên cường; có Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia và 374 di tích cấp tỉnh. Có thể nói, Quảng Nam hội tụ đủ điều kiện để đầu tư, phát triển; trong đó, Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực là lợi thế quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 14 Nghị quyết, 3 Kết luận chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp thành các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh quan tâm đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc; tăng cường vai trò hạt nhân lãnh đạo và sự nêu gương, quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, tạo chuyển biến đồng bộ, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Thành lập, kiện toàn các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác để theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận đã ban hành.
“Với sự sâu sát, quyết liệt và đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, đã khơi dậy mạnh mẽ ý chí quyết tâm, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển trong các cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh, tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025”, ông Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, trước sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đợt thứ tư; song, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, thực hiện tốt Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và triển khai nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội có những tín hiệu hết sức khả quan: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 22%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,4%; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 2.390 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ.Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 18.681 tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán Trung ương giao, tăng 43,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.600 tỷ đồng, bằng 71,6% so với dự toán năm, tăng 30,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.081 tỷ đồng, đạt 108% dự toán năm. Dự báo khả năng thu ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn thành dự toán năm và có khả năng vượt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, Quảng Nam là tỉnh có số lượng đối tượng chính sách đông (chiếm trên 23% dân số) với 65.477 liệt sĩ, 30.782 thương, bệnh binh và các đối tượng chính sách khác, có 15.332 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 430 Mẹ còn sống đã được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nêu rõ, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngoài quà của Chủ tịch Nước, tỉnh Quảng Nam đã dành 71.243.600.000 đồng để trợ cấp, tặng quà cho các đối tượng chính sách và trên 2.000.000.000 đồng để thăm, tặng quà các đối tượng người có công trong các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách với số tiền trên 10.000.000.000 đồng.
Kết cấu hạ tầng chiến lược chưa đượcđầu tư tương xứng với tiềm năng
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng nêu một số khó khăn, hạn chế trong phát triển của địa phương như: kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, khai thác hiệu quả; đời sống nhân dân các huyện miền núi còn nhiều khó khăn, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong tỉnh càng tăng; kết cấu hạ tầng chiến lược để tạo sức bật mạnh cho tỉnh, như Cảng hàng không Chu Lai và cảng biển Chu Lai chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng. Việc thực hiện các dự án đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng và vùng Đông nói chung gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và trồng rừng thay thế. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hạ tầng giao thông (chủ yếu là các tuyến Quốc lộ) từ đồng bằng lên miền núi còn nhỏ hẹp, xuống cấp, hư hỏng, gây cản trở lớn cho sự phát triển của miền núi như: Quốc lộ 40B, 14H, 24C và đặc biệt Quốc lộ 14B, 14G, 14D, 14E thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, kết nối từ Nam Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào - Trung Việt Nam thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng Đà Nẵng, cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi). Thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tác động lớnđến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đồng bằng lẫn miền núi của tỉnh. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm, có nhiều vướng mắc...
Tỉnh Quảng Nam đề nghị Quốc hội quan tâm, ủng hộ về cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án đã được thống nhất chủ trương như: Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang; Khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng. Để phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông – Tây, Quảng Nam đề nghị Trung ương sớm quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ 14B đoạn qua tỉnh Quảng Nam (42km) để đồng bộ với thành phố Đà Nẵng; tuyến Quốc lộ 14G đoạn qua tỉnh Quảng Nam; Quốc lộ 14Dvà nâng cấp một số tuyến quốc lộ khác như: 14H, 40B, 24C...
Hiện nay, QuảngNam đang triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh; tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng đô thị Tam Kỳ với quy mô diện tích và dân số như hiện nay thì đến năm 2030 vẫn không đạt tiêu chí về diện tích và dân số; vì vậy, đề nghị Trung ương cho chủ trương thực hiện sáp nhập một số đơn vị cấp huyện liên vùng với thành phố Tam Kỳ để xây dựng đô thị Tam Kỳ đảm bảo tiêu chí đô thị loại I theo quy định.
Tỉnh cũng đề nghị các cơ quan Trung ương khi xây dựng mới các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN cần nghiên cứu, đánh giá phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động các nguồn thu vào NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới để giao dự toán thu, tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp, tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành chỉ tiêu thu, đảm bảo ổn định nhiệm vụ chi; điều chỉnh tỷ lệ nguồn vượt thu của địa phương theo hướng trích 50% cho công tác cải cách tiền lương, 50% cho công tác đầu tư phát triển của địa phương.
Cùngvới đó, tỉnh đề nghị có cơ chế xét tuyển hoặc thi tuyển riêng dành cho cán bộ là người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ ổn định, lâu dài cho khu vực miền núi; có chính sách hỗ trợ cho cán bộ làm việc tại khu vực này để thu hút, động viên cán bộ yên tâm công tác...
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin về cuộc làm việc...