Tiếp tục tri ân, tạc ghi công lao trời biển của Đảng, của Bác Hồ và hàng triệu chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ, các tầng lớp nhân dân
Vào những ngày tháng 4 lịch sử này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đều ôn lại truyền thống oanh liệt, hào hùng của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự anh dũng, kiên cường, bất khuất, sự hy sinh to lớn của toàn dân tộc vì mục tiêu thống nhất non sông đất nước với khát vọng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
Tại cuộc gặp mặt, một số "nhân chứng lịch sử", như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển và nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tuyên, Đại tá Nguyễn Văn Diêu - cán bộ lão thành từng có thời gian chi viện cho chiến trường miền Nam... đã phát biểu, ôn lại những tháng năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng cả nước đi tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.

Qua đó cho thấy rõ hơn lý tưởng cách mạng cao đẹp của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, gian khổ, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của Dân tộc Việt Nam, không chịu lùi bước trước bất kỳ kẻ thù nào, anh dũng chiến đấu và chiến thắng...

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau vẫn tiếp tục phải tri ân, tạc ghi công lao trời biến của Đảng, của Bác, của hàng triệu các chiến sĩ, anh hùng liệt sĩ, các tầng lớp nhân dân đã hiến dâng những gì quý giá nhất trong cuộc sống, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho một Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, giàu mạnh, những người làm nên Thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em, bạn bè và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Tổng Bí thư bày tỏ xúc động tri ân những đóng góp to lớn của nhân dân, các lực lượng vũ trang nhân dân và các nhân chứng lịch sử vào sự nghiệp cách mạng của Đảng trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, cảm ơn những suy nghĩ, đánh giá hết sức có trách nhiệm với Đảng, với dân và tình cảm, nguyện vọng được đóng góp cho sự phát triển của đất nước qua các phát biểu tại cuộc gặp mặt. "Đây là những gửi gắm, động viên, khích lệ rất lớn cho sự phát triển của dân tộc trong tương lai", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư vui mừng nêu rõ, dân tộc ta trải qua 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm nhà nước Việt Nam mới ra đời và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc tích cực, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng “triệu người như một” của nhân dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu vĩ đại mang tính lịch sử. Trong những thành tựu chung của đất nước, Tổng Bí thư khẳng định có phần đóng góp quan trọng của các bậc lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, sĩ quan, anh hùng các lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách tiêu biểu, đặc biệt là sự hy sinh to lớn, vĩ đại của các chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.
Nêu bật những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong suốt chặng đường gần một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua, Tổng Bí thư khẳng định, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá trong hàng chục năm liên tục, bị bao vây, cô lập..., đến nay Việt Nam đã trở thành nước XHCN đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm...

Đặc biệt, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% (theo chuẩn đa chiều) so với mức 60% năm 1986. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được chính quyền các địa phương tiến hành quyết liệt. Phấn đấu đến hết năm 2025, chúng ta không còn nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc và từ nay đến 2030 phấn đấu xây dựng 1 triệu căn nhà xã hội. Từ năm học 2025-2026, Nhà nước sẽ miễn học phí cho trẻ em từ mẫu giáo đến hết PTTH.
“Nhiều chính sách xã hội thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục được triển khai áp dụng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đặc biệt là đối với người lao động, người già, người yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau”, Tổng Bí thư cho biết.

Cùng với đó, Tổng Bí thư nêu rõ, Chương trình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được Đảng và Chính phủ quan tâm; nhiều đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm y tế; phấn đấu để mỗi năm, mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe miễn phí một lần, phấn đấu nâng mức tuổi thọ trung bình của người dân từ mức 74,5 tuổi hiện nay lên mức trên 80 tuổi vào năm 2045-2050.
Khẳng định, thành quả cách mạng Việt Nam đúng là kỳ tích, là điều mà những người lạc quan nhất cũng khó tưởng tượng được, song Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: tất cả chúng ta hôm nay vẫn mong muốn đất nước ta mạnh hơn, nhân dân ta giàu hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân liên tục được nâng cao, để Việt Nam sải bước trên con đường phát triển phồn thịnh trong tương lai.
Ba nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến 2030 và 2045
Thay mặt Trung ương, Tổng Bí thư cũng thông tin những nét chính về tình hình đất nước hiện nay cũng như những chủ trương, định hướng chiến lược mà Đảng đã vạch ra trong kỷ nguyên xây dựng một Việt Nam XHCN hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trong đó, Trung ương đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm nhà nước Việt Nam XHCN. Đó là giữ vững và duy trì môi trường hòa bình, an ninh, trật tự để phát triển đất nước; phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là của những người lao động, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tất cả vì nhân dân.

Thông tin về Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa kết thúc ngày 12.4 được coi là hội nghị lịch sử trong chặng đường cách mạng của nước ta, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất rất cao các nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển, hội nhập của đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Mô hình chính quyền địa phương mới sẽ có 2 cấp, đó là cấp Tỉnh (Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp Xã (Xã, Phường, Đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay và không tổ chức cấp huyện.
Tổng Bí thư nêu rõ, với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp Tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp Xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp Tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình...

Về định hướng phát triển đất nước trong tương lai, Tổng Bí thư nhấn mạnh 5 trọng tâm cần tập trung, gồm: Duy trì hòa bình, ổn định đất nước, khu vực và trên thế giới; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; và tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Tổng Bí thư cũng nêu rõ, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn" và hiện đang từng bước tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc để tạo nền tảng phát triển; mục tiêu thời gian tới là phải biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung cải cách mạnh mẽ quy trình, chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, chi phí thấp, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong cải cách hành chính, khởi nghiệp, sáng tạo, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo, phát triển, trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền, nhất là cấp tỉnh. Bổ sung sửa đổi thể chế để xác lập tư duy bình đẳng giữa Trung ương và địa phương, địa phương có quyền đòi hỏi, kiến nghị Trung ương có cơ chế, giải pháp tháo gỡ để địa phương phát triển bên cạnh việc địa phương chấp hành các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương.
“Những kiến nghị, đề xuất của địa phương phải được Trung ương xem xét một cách nghiêm túc, nhanh chóng, có trách nhiệm và phải trả lời dứt khoát, đúng thời gian quy định, rõ ràng, không được làm hạn chế sự phát triển của địa phương...”, Tổng Bí thư nói.
Lịch sử đã cho thấy tương lai thuộc về những dân tộc biết ấp ủ khát vọng lớn và chung tay hành động vì lợi ích chung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, đạt được nhiều kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN; nhất định sẽ kế thừa, phát huy cao độ truyền thống cha ông, tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt được những kỳ tích mới trong tương lai. Nhấn mạnh điều này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng cảm ơn và mong muốn các lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu, với nhiệt huyết và trách nhiệm, tiếp tục có những đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, Nhân dân và Dân tộc ta.
Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy. Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng hai Đảng viên Bùi Thanh Quyến và Hà Văn Khoát.