Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, lãnh đạo tỉnh.
Năm 2024 có 26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Báo cáo tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIV đến nay, tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương sát với thực tế địa phương. Tiếp tục bám sát các mũi đột phá trọng tâm, chiến lược được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh đề ra 29 chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh (trong đó đánh giá 25 chỉ tiêu). Với kết quả đạt được giai đoạn 2021-2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh ước thực hiện 14/25 chỉ tiêu đạt và vượt; đến năm 2024, tỉnh hoàn thành 9/25 chỉ tiêu toàn khóa nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh có 26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,48%, xếp thứ 8/14 các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong đó: nông nghiệp tăng 3,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,2%, dịch vụ tăng 8,06%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (công nghiệp - xây dựng chiếm 41,9%; nông nghiệp 13,4%; dịch vụ 44,7%.
Sản xuất công nghiệp dần phục hồi. Tăng trưởng toàn ngành đạt 6,54%; các dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo triển khai; thu hút, khởi công một số dự án mới. Khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp VSIP - Giai đoạn 1. Khởi động Dự án Nhà máy ô tô điện tại Khu kinh tế Vũng Áng với quy mô 300-500 ngàn xe/năm, dự kiến tháng 8/2025 sẽ đi vào hoạt động.
Nông nghiệp được mùa. Vụ lúa Xuân và Hè Thu 2024 có năng suất, sản lượng cao nhất từ trước đến nay; tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 66,7 vạn tấn (tăng 2 vạn tấn so với năm 2023). Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích năm 2024 đạt 100,5 triệu đồng. Phát triển nhanh các mô hình cải tạo đồng ruộng, tập trung tích tụ ruộng đất cho hiệu quả rõ nét; bước đầu có những mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được tập trung chỉ đạo, đạt được các kết quả quan trọng. Có thêm 2 huyện nông thôn mới, 6 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu có thêm huyện Hương Khê, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 49 triệu đồng/năm.
Dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; xuất khẩu duy trì ổn định. Xuất khẩu tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,4 tỷ USD. Hiện nay thị trường xuất khẩu của tỉnh đã mở rộng tới hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc...
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 đạt hơn 55.500 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch đề ra. Tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công; giải ngân đạt 6.603 tỷ đồng, đạt 116,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Dũng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng; tập trung đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế xã hội. Tập trung tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đảm bảo thống nhất quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương án sắp xếp đơn vị hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã ký kết tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023.
Tỉnh tăng cường công tác phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Năm 2024 đã chấp thuận chủ trương 21 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 17.500 tỷ đồng. Lũy kế toàn tỉnh hiện có gần 1.550 dự án trong nước và nước ngoài với quy mô 530.000 tỷ đồng (tăng 8% về số lượng, 20% về số vốn so với đầu nhiệm kỳ). Riêng Khu kinh tế Vũng Áng có hơn 150 dự án tổng vốn đầu tư 423.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Tăng cường kết nối nhà đầu tư trong và ngoài nước, nghiên cứu các dự án sản xuất ô tô điện, năng lượng, điện tử, phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp, giáo dục, du lịch, dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng bức tranh Bác Hồ cho Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Ảnh: Lâm Hiển
Trong năm, thành lập mới 1.250 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, lũy kế hiện nay có 12.500 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc trên toàn tỉnh, trong đó hơn 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động.
Công tác quản lý xây dựng, đô thị, giao thông, tài nguyên môi trường được tăng cường. Tập trung nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hà Tĩnh, điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo; trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II; đẩy mạnh công tác lập quy hoạch phân khu đô thị, các khu chức năng; tỷ lệ đô thị hóa năm 2024 đạt 32%. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược; giải quyết vướng mắc hồ sơ thủ tục, mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh đã hoàn thành 65% kế hoạch, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn.
Lĩnh vực văn hóa, thể thao được tập trung chỉ đạo. Củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu cùng với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Lâm Hiển
Công tác lao động, việc làm đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội được chăm lo. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã đỡ đầu thêm 283 em, tổng số đã nhận hơn 1.130 em với cam kết hỗ trợ gần 19 tỷ đồng. Hỗ trợ, phát động ủng hộ hơn 64 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3. Tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng chống thiên tai; năm 2024 hoàn thành 307 nhà kiên cố, lũy kế đã huy động xã hội hóa xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng và 8.329 nhà kiên cố.
Hà Tĩnh tập trung thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính. Kết quả xếp hạng các chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (công bố năm 2024) duy trì trong nhóm khá của cả nước và nhóm đầu Bắc Trung bộ; tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh; là một trong những địa phương được Bộ Công an đánh giá cao về thực hiện Đề án 06.
Giảm 1 đơn vị cấp huyện và 7 đơn vị cấp xã
Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung triển khai có trọng tâm, hiệu quả việc giám sát, hoàn thiện báo cáo giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quá trình giám sát, Hà Tĩnh đã chú trọng kết hợp việc xem xét báo cáo và khảo sát, kiểm tra thực tế, đảm bảo bám sát trọng tâm và đi sâu vào các vấn đề dư luận, cử tri quan tâm.

Hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 1283/NQ-UBTVQH15, ngày 14.11.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo phương án sắp xếp, Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 4 đơn vị cấp huyện và 23 đơn vị cấp xã để hình thành 3 đơn vị cấp huyện và 16 đơn vị cấp xã mới, sau sắp xếp giảm 1 đơn vị cấp huyện và 7 đơn vị cấp xã; điều chỉnh, mở rộng địa giới đơn vị hành chính thành phố Hà Tĩnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 14 xã vào thành phố Hà Tĩnh. Dự kiến tỉnh sẽ tổ chức công bố các đơn vị hành chính mới vào ngày 1.1.2025.
Quan tâm đến công tác dân nguyện, Hà Tĩnh đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Trong năm đã tổ chức 26 hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ, 1 cuộc tiếp xúc cử tri toàn tỉnh và 02 cuộc tiếp xúc chuyên đề. Qua các đợt tiếp xúc, đã tổng hợp nhiều ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương và địa phương. Các ý kiến cơ bản được các cơ quan trả lời đúng thời hạn; những nội dung trả lời chưa thỏa đáng tiếp tục được kiến nghị và theo dõi sát sao, đảm bảo phản hồi tới cử tri.

HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, 4 kỳ họp chuyên đề; Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 11 phiên họp thường kỳ hàng tháng. Qua đó đã ban hành 84 nghị quyết của HĐND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các cơ chế, chính sách của tỉnh; xem xét, cho ý kiến xử lý 65 nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp. Tổ chức 3 cuộc giám sát chuyên đề và trên 150 cuộc khảo sát, làm việc về các nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế - nội chính.
Tập trung sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy, cán bộ
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh xác định tập trung triển khai Nghị quyết số 1283/NQ-UBTVQH15, ngày 14.11.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ để sớm ổn định, chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng các cấp. Hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030 đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp thực tiễn.

Tỉnh huy động mọi nguồn lực triển khai đồng bộ Quy hoạch tỉnh. Rà soát, bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích cực thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng là hạt nhân phát triển công nghiệp của tỉnh và khu vực theo Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã đăng ký đầu tư trên địa bàn; tập trung giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài; tích cực thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện để các dự án công nghiệp hoàn thành, đi vào hoạt động...