Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu Nghị Việt Nam - Ba Lan Lê Thị Nga nêu rõ, với vị thế là đại biểu của Nhân dân, đại diện cho Nhân dân, việc giao lưu giữa nghị sĩ các nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy sự tin cậy chính trị, quan hệ hợp tác giữa các nghị sĩ; góp phần thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Nhấn mạnh hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả cần quan tâm thúc đẩy, nhất là trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, ngày 8.11.2021, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã ký Quyết định số 45/QĐ-TCNSHNVN15 ngày 8.11.2021 thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan khóa XV gồm 9 thành viên.
Trên tinh thần đó, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan đã xây dựng Đề án hoạt động trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV nhằm thúc đẩy hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước, mục đích làm cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Ba Lan; tăng cường tin cậy chính trị; chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế; thúc đẩy giao lưu văn hóa, quảng bá, giới thiệu với bạn bè khu vực về văn hóa con người Việt Nam. Đẩy mạnh ngoại giao nhân dân góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế; các hoạt động luôn bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, của Đảng đoàn Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga cũng cho biết, trong thời gian tới, các hoạt động của Nhóm sẽ tập trung theo hướng thúc đẩy việc trao đổi các đoàn cấp cao Quốc hội hai nước, đồng hành và hỗ trợ Chính phủ hai nước trong việc thực hiện các chương trình hợp tác, đẩy mạnh quan hệ hai nước trên các lĩnh vực đặc biệt về kinh tế, thương mại, đầu tư. Thông qua đó, lồng ghép các hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ba Lan.
Nhóm sẽ duy trì thường xuyên việc tiếp xúc, trao đổi đoàn giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước; phát huy vai trò cầu nối của Nhóm, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trên các lĩnh vực lập pháp, mở rộng các hình thức giao lưu hợp tác mới có hiệu quả thiết thực. Phối hợp với các Ủy ban chuyên môn của hai Quốc hội, phối hợp giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước; cùng lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, công dân hai nước tại mỗi nước. Qua đó, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật và đề xuất, kiến nghị, xây dựng, bổ sung các chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp và công dân hai nước có môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi để sinh sống và làm ăn ổn định tại mỗi nước.